Vừa qua, Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tiếp nhận người bệnh nam người nước ngoài đang công tác tại Việt Nam trong tình trạng rối loạn ý thức, bại tứ chi, rối loạn nuốt và huyết áp cao không kiểm soát được.
Tình trạng này đang đe dọa đến tính mạng và đòi hỏi sự can thiệp y tế khẩn cấp. Khai thác tiền sử bệnh, người bệnh kể trước đó anh đã được chẩn đoán tăng huyết áp nhưng không uống thuốc điều trị huyết áp đều đặn.
Ảnh minh họa |
Sáng ngày vào viện, bệnh nhân đột ngột cảm thấy choáng váng, đau đầu, sau đó đồng nghiệp phát hiện bệnh nhân nói khó, yếu tứ chi, không đi lại được.
Do đang công tác tại Việt Nam, anh được các đồng nghiệp người Việt Nam cũng như Trung Quốc đã nhanh chóng đưa bệnh nhân vào bệnh viện tỉnh Bắc Ninh, chụp CT sọ não được chẩn đoán chảy máu não vùng thân não do tăng huyết áp không kiểm soát.
Sau đó bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Trung ương quân đội 108, khi nhập viện tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, liệt tứ chi, bí tiểu, thở tụt lưỡi…
Tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân xuất huyết thân não do tăng huyết áp. Tổn thương ở thân não đã gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như hôn mê, liệt vận động và rối loạn chức năng thần kinh.
Ngay lập tức, các bác sĩ tại Khoa Đột quỵ não đã áp dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị đa mô thức, hồi sức thần kinh tích cực.
TS.Nguyễn Văn Tuyến, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 chia sẻ, đây là vị trí chảy máu não nguy hiểm nhất ở não, vùng thân não có nhiều chức năng quan trọng như trung khu hô hấp, tuần hoàn, các dây thần kinh sọ…, khi bị chảy máu nguy cơ tử vong và tạn phế rất cao.
Bệnh nhân này chảy máu đúng vùng thân não, kích thước khá lơn, thể trạng béo phì, nặng trên 80 kg, huyết áp cao khó kiểm soát, việc điều trị để cứu được tính mạng bệnh nhân thì có thể nhưng khó khăn nhất là phải cứu được tối đa các chức năng thần kinh như ý thức, hô hấp, ngôn ngữ và vận động tử chi, nuốt…
Các bác sĩ tại Khoa Đột quỵ não đã áp dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị đa mô thức, hồi sức thần kinh tích cự: Kiểm soát huyết áp, cầm máu, thông khí cơ học, chống phù não, chống bội nhiễm… Sau 7 ngày hôn mê ý thức bệnh nhân đã khá hơn, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, bỏ được máy thở, tự thở được.
Tuy nhiên, do tổn thương ở vùng thân não, bệnh nhân vẫn gặp phải một số di chứng như rối loạn nuốt, nấc cụt và khó khăn trong việc ăn uống.
Để khắc phục những vấn đề này, Khoa Đột quỵ não đã phối hợp với Khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 để áp dụng phương pháp hào châm và các biện pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ.
Hào châm là một phương pháp trị liệu truyền thống của y học cổ truyền, kết hợp với kỹ thuật hiện đại để kích thích các huyệt đạo và cải thiện chức năng cơ thể.
Bằng cách này, bệnh nhân đã được hỗ trợ tối ưu trong việc khôi phục khả năng nuốt và giảm thiểu triệu chứng nấc cụt. Sau đó bệnh nhân đã được chuyển lên khoa đông y để điều trị củng cố.
Theo các chuyên gia y tế, tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ thường gặp nhất trong bệnh lý tim mạch, gây tỷ lệ tử vong.
Tại Việt Nam, theo kết quả tầm soát của chương trình tháng 5 đo huyết áp (MMM), từ 2017 đến nay, tỷ lệ tăng huyết áp chiếm đến 30,1% ở người trên 18 tuổi; chỉ 1/3 những người được điều trị tăng huyết áp kiểm soát được huyết áp mục tiêu của họ theo khuyến cáo hiện tại.
Mặc dù có nhiều biện pháp và chương trình hành động nhưng tỷ lệ bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam vẫn chưa được khống chế. Rất đáng lo ngại khi tăng huyết áp có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tuy nhiên, do căn bệnh này không có triệu chứng, không lây nhiễm nên nhiều người vẫn chưa quan tâm đúng mức về sự nguy hiểm tiềm ẩn của nó.
Báo cáo Điều tra quốc gia các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam (STEP) năm 2021, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên là 26,2%.
Trong đó, nhóm tuổi từ 50 đến 69 tuổi có tỷ lệ mắc THA cao nhất với 51,9%. Tăng huyết áp tiến triển âm thầm và gây ra các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, bệnh mạch vành, suy tim, tổn thương thận và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Còn theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới có khoảng 17 triệu ca tử vong do các bệnh tim mạch, trong đó 9,4 triệu ca do biến chứng từ tăng huyết áp. Dự kiến sắp tới con số này sẽ còn nhiều hơn do dân số toàn cầu đang gia tăng và già hóa.
Ðây là gánh nặng ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội toàn cầu, do di chứng bệnh tật cũng như chi phí điều trị. Vì vậy, mỗi người trên 18 tuổi hãy đến các cơ sở y tế để được đo huyết áp, kiểm tra huyết áp nhằm phát hiện sớm theo dõi và tư vấn kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Mức huyết áp mục tiêu cần đạt được là 140/80 mmHg hoặc thấp hơn tùy theo bệnh lý đi kèm hoặc đặc điểm riêng của từng người.
Nguồn: https://baodautu.vn/tang-huyet-ap-gay-chay-mau-than-nao-o-nguoi-tre-tuoi-d219342.html