Vốn nổi danh với các thiết kế sang trọng, gần đây nhà thiết kế Lê Thanh Hòa liên tục gây ngạc nhiên bởi cách làm thời trang được xem là mới mẻ với các thương hiệu “luxury”. Đó là tái chế những chiếc váy cũ thành những “tác phẩm nghệ thuật” mới cho các khách hàng giàu có và các hoa hậu hoặc dùng lụa cổ để làm các bộ sưu tập hiện đại, giới thiệu với khách hàng quốc tế.
Tái sinh trang phục, thông điệp thời trang xanh
Mới đây, nhà thiết kế Lê Thanh Hòa đã ra mắt bộ sưu tập “Beyond Deadlines” với chiếc váy đặc biệt được Hoa hậu Việt Nam 2022 Huỳnh Thị Thanh Thủy diện tại cuộc thi Miss International 2024. Độc đáo là chiếc váy này đã được “tái sinh” từ một thiết kế cũ, nhờ vào kỹ thuật vẽ màu và mạ vàng. Thay vì bị lãng quên, trang phục này sau tái chế trở thành “tác phẩm” mới lạ với bề mặt nghệ thuật như một bức tranh trừu tượng sinh động.
Nhà thiết kế Lê Thanh Hòa cho biết: “Hòa muốn tận dụng và kéo dài vòng đời của những chiếc váy. Biến nó từ món đồ tưởng đã hết công năng sử dụng thành một item thời trang mới thời thượng, ấn tượng và cảm hứng hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, Hòa còn muốn món đồ đó đạt tiêu chuẩn thẩm mỹ, giá trị để chinh phục khách hàng cao cấp. Từ đó, thu hút những ánh nhìn tích cực hơn về thời trang xanh, góp phần lan tỏa tinh thần ủng hộ sản phẩm thời trang có tác động bền vững với môi trường, cộng đồng”.
Nhà thiết kế Lê Thanh Hòa cho biết, dù chủ yếu tạo ra những thiết kế cao cấp và sang trọng nhưng anh lại có một niềm đam mê sâu sắc với thời trang bền vững. Anh tin rằng vẻ đẹp thực sự của thời trang không chỉ nằm ở vẻ ngoài lộng lẫy mà còn ở giá trị lâu dài và ý nghĩa đằng sau mỗi sản phẩm.
Nhà thiết kế cũng cho biết khi chia sẻ ý tưởng về chiếc váy “tái sinh” này với Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy, cô rất ủng hộ và hào hứng. Nàng hậu Việt Nam 2022 ngay lập tức mang nó tới cuộc thi Miss International 2024 để thể hiện sự tán thưởng, truyền cảm hứng của thiết kế tới bạn bè quốc tế.
Bảo tồn lụa cổ để quảng bá nghề thủ công truyền thống
Ngoài những chiếc váy tái chế “luxury”, nhà thiết kế Lê Thanh Hòa còn gây ấn tượng bởi các thiết kế hiện đại từ lụa cổ, dành cho các người đẹp quốc tế, trình diễn trong các sự kiện quốc tế.
Nhà thiết kế chia sẻ: “Lần đầu tiếp xúc với lụa Mã Châu tại Duy Xuyên, Quảng Nam, Hòa cảm nhận sâu sắc câu chuyện và sự tâm huyết của các nghệ nhân trong việc gìn giữ làng nghề. Khi đó, Hòa nhận thấy lụa Mã Châu không chỉ là chất liệu, là biểu tượng văn hóa thể hiện qua từng thiết kế mà còn là một phương thức sản xuất thời trang thủ công rất có ý nghĩa với mục tiêu bền vững hóa ngành thời trang”.
Trong hành trình tìm về các vùng lụa cổ, tôn vinh nghề truyền thống, quảng bá các sản phẩm thủ công thông qua thời trang của Lê Thanh Hòa gặp không ít thách thức khi “định kiến” rằng tơ tằm chỉ phù hợp với áo dài hoặc các trang phục lễ hội, trang trọng.
Tuy nhiên, nỗ lực sáng tạo của nhà thiết kế khiến anh được “bù công” rất hiệu quả. Tơ lụa với các hoa văn cổ có tuổi đời hàng trăm năm đã được hiện thực hóa đầy sống động và mới mẻ trong các sản phẩm của đời sống hiện đại.
Lê Thanh Hòa đã thành công trong việc tái chế những sản phẩm cũ thành thời trang cao cấp, thổi vào dòng lụa Mã Châu một sức sống mới, làm cho chất liệu truyền thống này trở nên gần gũi, hấp dẫn hơn bao giờ hết và trở thành một trong những nhà thiết kế tiên phong thúc đẩy thời trang bền vững tại Việt Nam.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-trang-tre/tang-hoa-hau-vay-cu-quang-ba-lua-co-de-lam-thoi-trang-xanh-185241103073733642.htm