Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Trong đó, Bộ đề xuất sửa đổi quy định về quản lý chất lượng công tác bảo trì công trình đường sắt.
Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi quy định về quản lý chất lượng công tác bảo trì công trình đường sắt
Bộ Giao thông vận tải cho biết, về quản lý chất lượng công tác bảo trì công trình đường sắt, tại dự thảo, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư 03/2021/TT-BGTVT để làm rõ trách nhiệm các chủ thể có liên quan trong việc quản lý chất lượng bảo trì công trình đường sắt, bảo đảm tính đồng bộ với phương án triển khai kế hoạch bảo trì.
Theo đó, tổ chức được giao quản lý tài sản là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý chất lượng, tổ chức nghiệm thu khối lượng, chất lượng bảo trì công trình; Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện quản lý chất lượng bảo trì thông qua việc kiểm soát nội dung công việc do tổ chức được giao quản lý tài sản thực hiện, tổ chức nghiệm thu xác nhận hoàn thành và quản lý hợp đồng đặt hàng theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất chi tiết các trường hợp quản lý chất lượng đối với từng nhóm nhiệm vụ của kế hoạch bảo trì: bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, công tác khác để bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng điều chỉnh các phụ lục biểu mẫu biên bản nghiệm thu bảo đảm đồng bộ với phương án triển khai kế hoạch bảo trì.
Quản lý chất lượng công tác bảo trì công trình đường sắt
Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất cụ thể về quản lý chất lượng công tác bảo trì công trình đường sắt như sau:
Cục Đường sắt Việt Nam, tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác bảo trì công trình đường sắt chịu trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định của Thông tư này.
Cục Đường sắt Việt Nam, tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản phải lập hệ thống quản lý chất lượng bảo trì công trình đường sắt. Hệ thống quản lý chất lượng, bảo trì công trình đường sắt phải có sơ đồ tổ chức phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ phận.
Quản lý vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công tác bảo trì công trình đường sắt
Tại dự thảo, việc quản lý vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công tác bảo trì công trình đường sắt được đề xuất như sau:
Đối với bảo dưỡng thường xuyên: vật tư, thiết bị chủ yếu phải thực hiện thí nghiệm kiểm tra hoặc yêu cầu nhà cung cấp xuất trình đầy đủ chứng chỉ thí nghiệm kiểm tra trước khi cho phép sử dụng.
Đối với sửa chữa công trình: việc quản lý vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình thực hiện theo quy định về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Nghiệm thu bảo dưỡng thường xuyên; quản lý, giám sát bảo dưỡng thường xuyên
Theo dự thảo, căn cứ hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phương án tác nghiệp kỹ thuật và giá cụ thể của dịch vụ sự nghiệp công, tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản nghiệm thu bảo dưỡng thường xuyên; nghiệm thu công tác giám sát bảo dưỡng thường xuyên và xác nhận hoàn thành dịch vụ do mình cung cấp theo quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu và quy trình bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; lập báo cáo xác nhận hoàn thành dịch vụ và chịu trách nhiệm về khối lượng, số lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ do mình thực hiện.
Sau khi nghiệm thu, tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản lập hồ sơ đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức nghiệm thu hoàn thành dịch vụ sự nghiệp công, thành phần hồ sơ gồm:
1- Giá dịch vụ sự nghiệp công được phê duyệt hoặc điều chỉnh (nếu có);
2- Phương án tác nghiệp kỹ thuật được chấp thuận;
3- Biên bản nghiệm thu nội bộ, xác nhận hoàn thành bảo dưỡng thường xuyên giữa tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản với đơn vị trực tiếp thực hiện;
4- Báo cáo của tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản xác nhận hoàn thành bảo dưỡng thường xuyên; quản lý, giám sát bảo dưỡng thường xuyên;
5- Báo cáo kết quả thực hiện, khắc phục theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi kiểm tra, thanh tra, kiểm toán (nếu có).
Dự thảo nêu rõ, trên cơ sở đề nghị của tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản, Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức nghiệm thu hoàn thành nhiệm vụ bảo dưỡng thường xuyên; nghiệm thu hoàn thành công tác giám sát công tác bảo dưỡng thường xuyên.
Biên bản nghiệm thu hoàn thành nhiệm vụ bảo dưỡng thường xuyên, nghiệm thu hoàn thành công tác giám sát công tác bảo dưỡng thường xuyên lập theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
Nghiệm thu sửa chữa công trình đường sắt; khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với công trình đường sắt
Theo dự thảo, tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản tổ chức nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; xác nhận hoàn thành dịch vụ do mình cung cấp; lập báo cáo xác nhận hoàn thành dịch vụ, chịu trách nhiệm về khối lượng, số lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ do mình thực hiện.
Sau khi nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng, tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản lập hồ sơ đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu và xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành, thành phần hồ sơ gồm:
– Hồ sơ đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;
– Hồ sơ đề nghị xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành theo quy định của pháp luật về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công;
Trên cơ sở đề nghị của tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản, Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu, kiểm tra hồ sơ và xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành theo quy định.
Nghiệm thu đối với công tác khác theo kế hoạch bảo trì được phê duyệt
Dự thảo nêu rõ, tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản tổ chức nghiệm thu, xác nhận hoàn thành dịch vụ do mình cung cấp theo quy định của pháp luật có liên quan; lập báo cáo xác nhận hoàn thành dịch vụ, chịu trách nhiệm về khối lượng, số lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ do mình thực hiện.
Sau khi nghiệm thu, tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản lập hồ sơ đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức nghiệm thu hoàn thành dịch vụ sự nghiệp công, thành phần hồ sơ gồm:
– Đề cương nhiệm vụ, dự toán được phê duyệt;
– Biên bản nghiệm thu hoàn thành giữa tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản với đơn vị trực tiếp thực hiện;
– Báo cáo của tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản xác nhận hoàn thành dịch vụ khác.
Trên cơ sở đề nghị của tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản, Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức nghiệm thu hoàn thành dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Bảo hành đối với công tác bảo trì công trình đường sắt
Theo dự thảo, công tác bảo dưỡng công trình đường sắt được thực hiện theo phương án tác nghiệp được duyệt. Trong thời gian còn lại, công trình phải được kiểm tra, theo dõi, sửa chữa những hư hỏng nhỏ để bảo đảm an toàn công trình. Tổ chức được giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản và đơn vị trực tiếp thực hiện bảo dưỡng công trình chịu trách nhiệm duy trì trạng thái kỹ thuật ổn định, bảo đảm an toàn chạy tàu.
Đối với công tác sửa chữa công trình, việc bảo hành thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/tang-hieu-qua-quan-ly-chat-luong-cong-tac-bao-tri-cong-trinh-duong-sat-102240927160911421.htm