Để tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh, Chính phủ cần có hành động mạnh mẽ. Trong đó, hoàn thiện khung chính sách về khử carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh… là cấp thiết.
Nhiều doanh nghiệp chọn gia công làm bước đệm để phát triển thương hiệu ảnh: huy anh |
Tại Frasers Property Vietnam, doanh nghiệp này đặt mục tiêu xanh hóa 100% diện tích sàn cho các dự án và 85% dự án đang quản lý, sở hữu… nhằm đạt chứng nhận công trình xanh vào năm 2030. Để hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (Net zero), Công ty đã vạch ra nhiều kế hoạch cụ thể.
Theo đó, khi xây dựng công trình, Frasers Property Vietnam đều hướng đến xanh hóa dự án, bảo vệ sự đa dạng sinh học ở mỗi khu đất; hợp tác với nhiều đối tác để đánh giá lượng phát thải carbon; xây dựng đúng quy chuẩn của thế giới như xanh, sạch, đẹp và vận hành tiết kiệm…
Ông Tan Boon Thor, Giám đốc khối bất động sản thương mại và quản lý thiết kế tại Frasers Property Vietnam chia sẻ: “Đã có nhiều khách hàng yêu cầu chúng tôi đưa ra danh sách những công trình có chứng nhận xanh thì mới thuê. Còn ở những khu công nghiệp, nhiều nhà đầu tư cũng kiểm tra kỹ, liệu công trình sắp thuê có xanh như giấy chứng nhận hay không. Có thể thấy, hiện các doanh nghiệp đều muốn sở hữu công trình xanh theo tiêu chuẩn quốc tế, buộc chúng tôi đẩy nhanh tiến độ thực hiện; các chính sách, chứng nhận cũng được yêu cầu ngày càng hoàn thiện hơn”.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi xanh trong bối cảnh hiện nay không phải dễ dàng. TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR, trực thuộc Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, khó khăn chung là sự bất cập, chồng chéo của hệ thống chính sách pháp luật. Hiện chưa có một bộ tiêu chuẩn xanh chung, không có lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ.
Ông Erick Contreras, Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc EuroCham Việt Nam cũng nhận xét, Việt Nam còn thiếu khung pháp lý quy định về phát triển kinh tế xanh cho từng ngành, từng lĩnh vực và những quy định về việc huy động nguồn vốn hỗ trợ tài chính cho sự phát triển kinh tế xanh.
Ngoài ra, việc chuyển đổi xanh chưa tích hợp những yếu tố bền vững trong dự án như chiến lược chuyển đổi số. Đây là xu hướng chuyển đổi kép – “chuyển đổi số đồng hành cùng chuyển đổi xanh” đang ngày càng được chú trọng trên toàn cầu. Việc tích hợp công nghệ số vào các lĩnh vực sản xuất xanh có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Bên cạnh bất cập về chính sách pháp luật, nhiều doanh nghiệp cho rằng, vấn đề của chuyển đổi xanh còn là nỗi lo “tiền đâu”. Hiện có nhiều đơn vị rất khó tiếp cận các nguồn vốn xanh.
Ông Trương Anh Hải, Phó tổng giám đốc phụ trách an toàn, sức khỏe, môi trường và cộng đồng, Công ty NS BlueScope Việt Nam nêu thực tế, vấn đề đầu tiên là chi phí eo hẹp. Trong thời buổi kinh tế suy thoái hiện nay, doanh nghiệp không đủ nguồn lực để thực hiện.
Theo Quy hoạch Điện VIII, chỉ riêng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ cần khoảng 650 tỷ USD đầu tư giai đoạn 2021-2050. Nguồn tài trợ này sẽ rất quan trọng để mở rộng công suất năng lượng tái tạo, nâng cấp hạ tầng truyền tải năng lượng, hỗ trợ đầu tư R&D vào các công nghệ xanh mới như hydro, thu giữ carbon và pin hiệu quả hơn…
Còn theo ước tính của World Bank, Việt Nam cần 368 tỷ USD vào năm 2040 để tài trợ cho hạ tầng, công nghệ mới và các chương trình xã hội cho quá trình chuyển đổi.
Câu chuyện “con gà, quả trứng” lại được đặt lên bàn cân. Trong bối cảnh này, nếu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không kiên định trong quá trình giảm khí thải carbon, hướng đến phát triển xanh, sẽ khó thu hút nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, nếu chưa đủ nguồn vốn đầu tư, doanh nghiệp khó cam kết hoàn thành mục tiêu chuyển đổi xanh.
Về vấn đề này, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối ngân hàng doanh nghiệp (UOB Việt Nam) thông tin, trước hết, khách hàng phải có uy tín và dự án phải được coi là khả thi về mặt tài chính. Sau khi đáp ứng 2 tiêu chí trên, ngân hàng sẽ áp dụng các điều khoản tài trợ xanh, ưu đãi hơn so với các khoản vay thông thường.
Đối với các dự án xanh có mục tiêu bền vững phù hợp với định hướng, UOB có thể cân nhắc tài trợ lên đến 70-75%, thậm chí nhiều hơn. Chi phí tài trợ cũng có thể được giảm một tỷ lệ phần trăm nhỏ, tùy thuộc vào việc dự án có thực hiện đúng các mục tiêu xanh ban đầu hay không.
“Tuy nhiên, việc giám sát được thực hiện liên tục nhằm đảm bảo rằng, sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho đúng các doanh nghiệp thực sự xanh, thay vì dành cho các doanh nghiệp đang ‘tẩy xanh’. Một doanh nghiệp tốt, một dự án khả thi, một mục tiêu bền vững là 3 yếu tố chúng tôi tìm kiếm trong tài chính xanh hiện nay”, ông Lim Dyi Chang cho hay.
Nguồn: https://baodautu.vn/tang-gia-tri-thuong-hieu-nho-lam-gia-cong-cho-khoi-ngoai-d226282.html