Đẩy mạnh phát triển công nghiệp vùng nông thôn
Một trong những định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai là phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Mục tiêu là đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của các đô thị theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp chế biến.
Trong giai đoạn tới, Đồng Nai giảm mạnh cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp, dịch vụ nông thôn, giảm mạnh tỷ trọng nông nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển. Tuy tỷ trọng nông nghiệp giảm nhưng giá trị sản xuất trên 1ha và thu nhập nông dân phải tăng so với giai đoạn trước. Đa phần cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong đó loại hình hộ kinh doanh chiếm trên 85%. Sản xuất công nghiệp tại các địa phương thuộc khu vực nông thôn của tỉnh vì thế còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong sản xuất công nghiệp của tỉnh, trong khi đó, các địa phương như: Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán… lại có diện tích lớn, tiềm năng nhiều chưa khai thác hết.
Vì vậy, để tăng giá trị sản xuất công nghiệp ở vùng nông thôn, tỉnh tiếp tục quy hoạch thêm các khu công nghiệp ở các địa phương khu vực nông thôn còn nhiều quỹ đất, gắn liền với sự phát triển của hạ tầng giao thông. Hình thành các cụm công nghiệp chuyên ngành về sản xuất, chế biến nông sản – thực phẩm để thu hút doanh nghiệp thứ cấp vào xây dựng nhà máy sản xuất. Riêng đối với thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông thôn là sẽ ưu tiên cho các lĩnh vực liên quan đến sản xuất, chế biến nông sản, công nghiệp giá trị công nghệ cao và góp phần tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng.
Là một địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp và cơ hội cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, huyện Xuân Lộc đã và đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng để xây dựng chương trình kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng như khu vực nông thôn. Cụ thể, huyện đã quy hoạch các vùng phục vụ phát triển nông nghiệp như khu nông nghiệp công nghệ cao 200ha tại xã Xuân Trường; các phân khu nông nghiệp công nghệ cao tại các xã Xuân Tâm, Xuân Thành với diện tích 1 ngàn ha, hình thành nhà máy chế biến, kho chứa, khu trưng bày sản phẩm…
Gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp
Với mục tiêu phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, các vùng nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai đồng bộ các chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm thu hút nhà đầu tư, góp phần từng bước hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Tùy vào lợi thế, đặc thù mà các địa phương có mô hình, hướng đi khác nhau, tạo nên sự đa dạng, nhiều màu sắc sự phát triển chung ngành nông nghiệp của tỉnh. Với định hướng xây dựng đô thị sân bay, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành Trần Văn Thân cho biết do quỹ đất dành cho đất nông nghiệp của huyện ngày càng thu hẹp, địa phương định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có lợi thế cạnh tranh cao. Trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp được quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện xây dựng kế hoạch hỗ trợ hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu cần thiết về điện, nước, đường giao thông…, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư.
Đơn cử, huyện Nhơn Trạch có lợi thế phát triển nuôi thủy sản nước lợ với gần 1.800ha, trong đó có 333ha nuôi thâm canh. Địa phương rất quan tâm đầu tư hạ tầng; hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thâm canh. Đến nay, toàn huyện có 171ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với mô hình nuôi ao đất truyền thống.
Hay TP. Long Khánh có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái vườn. Với mô hình này, thu nhập của các nhà vườn làm du lịch tăng lên gấp 2-3 lần so với làm nông nghiệp thuần túy. Hay các địa phương khác như Định Quán, Vĩnh Cửu, Tân Phú, Xuân Lộc…, du lịch nông nghiệp phát triển khá nhanh trong 2-3 năm trở lại đây. Khai thác những lợi thế từ kết quả xây dựng nông thôn mới, điều này đã tăng thêm giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, thu hút khách du lịch muốn tham quan, trải nghiệm và lưu trú. Bên cạnh đó, tạo được sinh kế, tăng thu nhập cho người dân nông thôn qua phát triển dịch vụ du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng cung cấp dịch vụ.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/tang-gia-tri-san-xuat-cong-nghiep-dich-vu-khu-vuc-nong-thon-i384521/