Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 6%, đã đạt mức cao hơn cả cùng kỳ 3 năm gần đây. Riêng trong tháng 6, tín dụng đã tăng 3,59%, đặc biệt là 2 tuần cuối tháng.
Chế biến chế tạo – 1 trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. 7,51% – là mức tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm, con số này khá đột phá so với mức tăng khiêm tốn 0,85% cùng kỳ năm ngoái. Để hiểu rõ hơn vì sao thì cần bóc tách kỹ hơn số liệu từ tổng cục thống kê, để thấy đây là những phân ngành tiếp tục đặc biệt khởi sắc trong quý 2, so với quý 1 năm nay. Bao gồm sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất giường tủ bàn ghế, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống, và cuối cùng là trang phục. Ghi nhận từ TP Hồ Chí Minh.
Nắm bắt nhu cầu chuyển đổi xanh từ thị trường, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển đổi sản phẩm của mình theo hướng tăng sử dụng vật liệu tái chế. Như sản phẩm bao bì cho thị trường xuất khẩu chẳng hạn. Nhờ vậy sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất qua 6 tháng đầu năm nay, với mức gần 30%. Đóng góp tích cực cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Nửa đầu năm nay, doanh nghiệp sản xuất bao bì tiếp tục tăng tỷ trọng các sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh của thị trường xuất khẩu. Hiện cứ 10 sản phẩm làm ra, có 4 sản phẩm từ nguồn nguyên liệu tái chế. Nhờ vậy mà bán được giá hơn 30% so với sản phẩm thông thường. Đưa tăng trưởng 6 tháng qua vượt hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Việt Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho hay: “Hiện nay chúng tôi đã sử dụng được những nguyên liệu tái chế trong nước. Đây là điểm rất phù hợp với nhu cầu kinh tế tuần hoàn hiện nay. Sử dụng được nguyên liệu tái chế trong nước, chúng tôi giảm thiểu được nguyên liệu nhập khẩu, giúp thay đổi được cơ cấu giá thành. Giúp giá thành cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm cao hơn nhiều so với trước đây”.
Theo một số hiệp hội doanh nghiệp, tình hình đơn hàng sản xuất 6 tháng đầu năm nay đã phục hồi và ổn định hơn so với năm ngoái. Hiện không ít doanh nghiệp đã kín đơn hàng xuất khẩu đến hết quý 3. Cá biệt trong lĩnh vực chế biến rau quả, sản xuất nhựa, một số doanh nghiệp kín đơn đến hết năm.
“Một số lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực đã phục hồi trở lại. Có những nước chúng ta xuất khẩu rất tốt như Mỹ. Chúng ta giảm VAT đến cuối năm. Toàn bộ điều này hoàn toàn có thể giữ được đà tăng GDP”, ông Huỳnh Phước Nghĩa – Đại học UEH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết.
Trong nửa cuối năm, các mùa cao điểm tiêu dùng được kỳ vọng sẽ cải thiện tốt hơn cầu tiêu dùng nội địa, từ đó thúc đẩy sản xuất. Đặc biệt khi chính sách giảm 2 điểm % thuế giá trị gia tăng tiếp tục áp dụng đến hết năm, giảm đáng kể chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
“Chi phí giảm 2 điểm % thì áp lực nguyên vật liệu đầu vào cũng được giảm đáng kể. Vật liệu đầu vào giảm thì năng suất, sản lượng của doanh nghiệp cũng tăng lên. Người lao động sẽ có thêm việc làm”, ông Đoàn Minh Tuấn Anh – Trưởng Phòng Marketing, Công ty TNHH Sản xuất Qui Phúc chia sẻ.
Theo giới chuyên gia, để đảm bảo sản xuất, các doanh nghiệp sẽ cần tính toán kĩ lưỡng nguồn cung lao động. Đặc biệt là lao động có tay nghề, trình độ cao để đáp ứng nhu cầu gia tăng giá trị sản phẩm của các ngành chế biến chế tạo.
Cuộc đua tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm nay giữa các địa phương vô cùng cạnh tranh. TP Hồ Chí Minh, như vừa thấy, ghi nhận sự khởi sắc rõ rệt, nhưng vẫn chưa đủ để vào top 10. Vị trí đứng đầu là Trà Vinh có mức tăng đột biến tới 58,9%, chủ yếu nhờ sản xuất và phân phối điện. Kế đến là Khánh Hoà, Phú Thọ, rồi Bắc Giang. Thấp nhất trong top 10 là Cao Bằng thì cũng đã tăng tới 14,4%. Trong khi địa phương giảm nhiều nhất cả nước là Quảng Nghãi thì cũng giảm chưa đến 10%.
Cuộc đua này dự kiến sẽ còn gắt gao hơn nữa, đó là tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 6%. Nếu xét về doanh số tín dụng cung ứng ra nền kinh tế, thì con số 6 tháng đã đạt mức cao hơn cả cùng kỳ 3 năm gần đây.
Tín dụng là nguồn lực để tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng 2,41%. Như vậy, chỉ riêng trong tháng 6, tín dụng đã tăng 3,59%, còn cao hơn tốc độ tăng 5 tháng đầu năm cộng lại, đặc biệt là 2 tuần cuối tháng.
Yếu tố thời vụ, chốt hợp đồng, hay giải ngân cuối quý là những lý do thường thấy. Nhưng đặc thù năm nay còn ghi nhận lực cầu và số lượng đơn hàng từ cả 2 phía trong nước và quốc tế đều tăng mạnh. Như vậy, không chỉ nên nhìn nhận mức tăng trưởng tín dụng này như lời lý giải cho đà tăng của nhóm ngành chế biến chế tạo 6 tháng đầu năm, mà hơn thế, nó dự báo cho xu hướng tiếp tục tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực chế biến chế tạo và tiêu dùng.
“Niềm tin tiêu dùng với người dân trong nước đang ở mức tốt, và do vậy các khoản vay tiêu dùng được kích hoạt mạnh hơn. Các đơn hàng mới về xuất nhập khẩu nó dồn dập ở trong quý 2, do vậy họ phải có kế hoạch nhập khẩu nguyên vật liệu hoặc thu mua các yếu tố đầu vào trong nước thì dẫn đến có thể giải ngân tháng 6 tăng mạnh”, ông Nguyễn Quang Huy – Giám đốc Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho hay.
54,7 điểm là Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 6, tăng vọt so với mức 50,3 của tháng 5, theo S&P Global. Cũng theo tổ chức quốc tế này, số lượng đơn hàng đã đặt mức tăng kỷ lục trong hơn 13 năm qua.
Ông Paulo Medas – Trưởng đoàn điều IV, trưởng nhóm phụ trách Việt Nam, Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF cho biết: “Sự phục hồi dần dần của nhu cầu bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã diễn ra từ cuối năm 2023 đang có tác động tích cực mạnh mẽ đến lĩnh vực sản xuất. Thương mại toàn cầu đang thực sự tăng tốc nên lượng đơn hàng sẽ đổ về Việt Nam nhiều”.
“Các doanh nghiệp đang tăng cường hoạt động sản xuất và mua hàng khi nhận thấy số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên. Và quan trọng nhất, họ cũng bắt đầu tăng số lượng nhân viên để đáp ứng nhu cầu sản xuất”, ông Andrea Coppola – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ.
Sự đồng pha tăng trưởng ở cả phía cung và phía cầu ở khu vực sản xuất và chế biến chế tạo sẽ tạo đà bứt tốc cho nền kinh tế giai đoạn tới. Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra mới đây, các đại biểu đã đánh giá, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, giúp kinh tế nước ta 6 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, được doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Điển hình như nhận định từ ADB, Standard Chartered, HSBC. Hay như IMF đánh giá Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% cho giai đoạn 5 năm tới.
Theo VTV
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tang-gia-tri-san-pham-thuc-day-che-bien-che-tao/20240710042200304