Bình quân tại thị trường chứng khoán Việt Nam, cứ 25 doanh nghiệp thì mới có hơn một doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh. Cải thiện minh bạch thông tin sẽ giúp doanh nghiệp rộng cửa hơn đón dòng vốn ngoại trong tương lai.
Có lợi thế trên thị trường chứng khoán là những doanh nghiệp minh bạch thông tin và chú trọng ESG. Ảnh: Đức Thanh |
Điểm cộng từ quản trị công ty
Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) vừa đưa ra sáng kiến nhằm tạo cầu nối để doanh nghiệp niêm yết Việt Nam tiếp cận các thông lệ quản trị công ty quốc tế, thông qua việc tập hợp các công ty thực hành và cam kết thực hành tốt quản trị công ty vượt trên tuân thủ vào nhóm VNCG50.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phát triển và thực hiện chiến lược nâng hạng, việc cải thiện quản trị công ty ngày càng trở nên cấp thiết. Sáng kiến này nếu thực thi tốt cũng sẽ là động lực giúp nâng điểm quản trị của Việt Nam so với khu vực.
Trong một năm trở lại đây, trước bối cảnh dòng vốn ngoại đổ về các nước phát triển, quản trị công ty cũng là từ khoá quan trọng mà cơ quan quản lý ngành chứng khoán tại một số quốc gia châu Á đang định hướng cho các doanh nghiệp niêm yết, khắc phục tình trạng mức định giá rẻ của cổ phiếu.
Đầu năm 2024, Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) lần đầu công bố chương trình cải cách nhằm nâng cao giá trị của công ty niêm yết. Chương trình tăng giá trị doanh nghiệp (Corporate Value-up Program) yêu cầu các công ty đưa ra kế hoạch nâng cao giá trị doanh nghiệp vào báo cáo quản trị công ty. Doanh nghiệp có hoạt động công bố thông tin nổi bật trong năm sẽ được trao giải đi kèm với một số lợi ích về thuế. FSC cũng dự kiến xây dựng chỉ số mới, bao gồm các công ty có lợi tức cổ đông cao, từ đó các quỹ ETF có thể được xây dựng.
– Ông Phạm Hồng Sơn, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Cuối tháng 6/2024, Bộ Tài chính Thái Lan và các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán công bố các biện pháp khá mạnh tay nhằm vực dậy thị trường trong bối cảnh chỉ số chứng khoán lao dốc và khối ngoại bán ròng. Trong đó, điều chỉnh một số điều kiện đối với quỹ ESG Thái Lan, nơi có danh mục đầu tư với 80% giá trị tài sản ròng vào các công ty đáp ứng các yêu cầu về công bố thông tin về môi trường, xã hội và quản trị. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp niêm yết quan tâm nhiều hơn việc tuân thủ các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG), đặc biệt về quản trị công ty.
Tại Việt Nam, quy tắc quản trị công ty đầu tiên, áp dụng cho các doanh nghiệp niêm yết được ban hành năm 2007 tại Quyết định số 12/2007/QĐ-BTC. Tiếp đó, Thông tư số 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, Nghị định số 71/2017/NĐ-CP của Chính phủ đặt ra các quy định cụ thể hơn.
Vào năm 2019, phiên bản đầu tiên của Bộ nguyên tắc quản trị công ty gồm 10 nguyên tắc, tập trung ở nhóm nội dung về trách nhiệm hội đồng quản trị, môi trường kiểm soát, công bố thông tin và minh bạch, quyền cổ đông và quan hệ với bên có lợi ích liên quan. Vượt trên quy định mang tính bắt buộc tuân thủ, Bộ nguyên tắc còn bao gồm cả các nội dung theo các thông lệ quốc tế tốt.
Với sáng kiến VNCG50, doanh nghiệp cần chú trọng ESG để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và thu hút vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng. Trong đó, 4 yếu tố được nêu bật gồm tăng cường minh bạch và báo cáo tài chính; nâng cao tiêu chuẩn quản trị; thu hút đầu tư và cải thiện hình ảnh doanh nghiệp; phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội.
Vượt “trở ngại” ngôn ngữ
Thị trường chứng khoán Việt Nam đề ra mục tiêu được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp vào năm 2025. Trong đó, kỳ vọng lớn nhất được đặt vào đợt đánh giá của FTSE vào tháng 3 và tháng 9 năm tới. Khi cánh cửa mở ra, điều được kỳ vọng là dòng vốn ngoại sẽ tràn vào. Tuy nhiên, theo bà Hà Thu Thanh. Chủ tịch HĐQT VIOD, khi thị trường được nâng hạng, không phải tất cả doanh nghiệp sẽ được phân bổ vốn như nhau, mà nguồn vốn này chỉ đến những công ty có quản trị minh bạch và tính hiệu quả của hoạt động này đã được đánh giá.
Sau tròn 24 năm chính thức đi vào hoạt động (ngày 20/7/2000) và chuẩn bị cho phiên giao dịch đầu tiên với vỏn vẹn 2 cổ phiếu, quy mô trên 3 sàn chứng khoán Việt Nam hiện đã tăng lên xấp xỉ 1.800 doanh nghiệp. Tuy nhiên, với một số yêu cầu về quản trị theo thông lệ quốc tế khá cơ bản, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được. Theo VIOD, hiện chỉ có 80 doanh nghiệp thực hiện công bố báo cáo bằng tiếng Anh.
Từ góc độ một công ty chứng khoán tích cực tham gia vai trò kết nối vốn trên thị trường, theo ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách luật và kiểm soát tuân thủ Công ty Chứng khoán SSI, trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mức độ tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh của các doanh nghiệp niêm yết theo tiêu chuẩn thế giới. Bản thân các công ty chứng khoán hỗ trợ việc kết nối giữa các doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư nước ngoài qua các báo cáo phân tích bằng tiếng Anh, nhưng “thông tin thô” ban đầu từ doanh nghiệp bằng ngôn ngữ quốc tế vẫn rất cần thiết.
Thông tin có vai trò quan trọng trên thị trường chứng khoán. Minh bạch thông tin thực chất cũng nhằm giúp thị trường chứng khoán có thể thực hiện chức năng phân bổ nguồn vốn hiệu quả, tìm đến “địa chỉ” đầu tư đáng tin cậy. Tuy vậy, theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sẽ cần thời gian để có thể thay đổi ý thức của doanh nghiệp, từ việc công bố thông tin để đáp ứng yêu cầu cơ quan quản lý sang xuất phát từ chính lợi ích của doanh nghiệp.
Nguồn: https://baodautu.vn/tang-gia-tri-doanh-nghiep-tu-yeu-to-quan-tri-d220295.html