Kể từ ngày 9/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ mức 1.920,3 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Các chuyên gia cho rằng việc tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều tới mục tiêu lạm phát.
Kể từ đầu năm 2023 tới nay, EVN đã hai lần điều chỉnh giá điện với mức tăng tổng cộng là 7,5%, đưa giá điện tăng thêm 142,35 đồng/kWh so với đầu năm.
Theo đánh giá của đại biểu Phạm Văn Hoà của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, việc tăng giá điện để bảo đảm phù hợp với giá thị trường, giá xăng dầu thế giới tăng cao hiện nay, cũng như bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của EVN là hợp lý. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện chắc chắn sẽ có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Mặc dù vậy, không ít chuyên gia cho rằng động thái này của EVN sẽ không ảnh hưởng nhiều tới mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay. Trao đổi với các phóng viên, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định việc giá điện tăng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới mục tiêu kiểm soát lạm phát cũng như những giải pháp để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội trong năm nay.
Lý giải về nhận định trên, ông Lâm cho biết tỷ trọng chi cho tiêu dùng điện trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình chỉ chiếm 3,31%. Khi giá bán lẻ điện bình quân tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,331 điểm phần trăm. Vì thế, với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân 4,5%, CPI sẽ chỉ tăng 0,15 điểm phần trăm. Trong khi đó, trong 10 tháng đầu năm 2023, lạm phát bình quân của nền kinh tế chỉ ở mức 3,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn khá nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 4,5% của năm 2023.
Chuyên gia Lâm nhấn mạnh với sự chủ động chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tiêu dùng cuối cùng cho tháng cuối năm, cùng với chính sách khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng, việc điều chỉnh tăng giá điện không ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm nay.
Trên thực tế, sau gần một tháng điều chỉnh giá điện, CPI tháng 11 cũng không tăng đột biến. Cụ thể, theo báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11/2023, CPI chỉ tăng 3,46% so với tháng 12/2022 và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 11/2023 cũng tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,22%).
Theo Tổng cục Thống kê, việc một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng trước.
Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân được chia thành 6 nhóm, theo mức tiêu thụ điện của các hộ dân cư. Hộ dân có thu nhập thấp, mức tiêu thụ điện ít được hưởng giá bán lẻ điện thấp hơn mức giá bình quân chung. Giá bán lẻ điện được tính luỹ tiến, với chính sách giá bậc thang, theo lượng điện tiêu thụ, phù hợp với mức thu nhập của các hộ dân cư nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.
Vì thế, chuyên gia Lâm cho rằng việc tăng giá bán lẻ điện cũng không tác động nhiều tới các đối tượng này bởi vì, mức chi phí chỉ tăng thêm 3.900 đồng/tháng đối với hộ sử dụng dưới 50 kWh/tháng; tăng thêm 7.900 đồng/tháng đối với hộ sử dụng 100 kWh/tháng; ngay cả những hộ có mức sử dụng điện cao tới 400 kWh/tháng cũng chi trả thêm 42.000 đồng/tháng.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, điện là mặt hàng nhiên liệu quan trọng không chỉ trong tiêu dùng mà được sử dụng trong gần như tất cả các ngành, các hoạt động sản xuất. Vì vậy, việc giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hệ quả tất yếu làm giảm tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia Lâm cho biết với công nghệ sản xuất hiện nay của nền kinh tế, nếu giá điện tăng 10%, GDP sẽ giảm 0,45 điểm phần trăm. Năm 2023, qua hai lần EVN tăng giá điện với tổng mức tăng 7,5% sẽ tác động làm GDP giảm 0,33 điểm phần trăm.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà khuyến nghị Bộ Công Thương cần tính toán hợp lý mức tăng tới đâu, để vừa mức cho EVN bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, tái đầu tư, vừa khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Về phía EVN, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà đề nghị EVN cần cân đối các khoản chi như chi thường xuyên, chi đầu tư, chi chế độ lao động… để cân đối nguồn tài chính, không chỉ dồn sang việc tăng giá điện./.
Hoàng Anh