Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt diễn ra 2 đợt
Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, năm nay kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được tổ chức thành 2 đợt: đợt 1 từ ngày 26-28.5 và đợt 2 từ ngày 9-11.6.
Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi của đợt 1 là hơn 2.500 và đợt 2 là hơn 1.800. Như vậy, so với năm ngoái, tổng số thí sinh dự thi năm nay đã nhiều hơn gấp đôi so với năm đầu tiên tổ chức kỳ thi này.
Theo thống kê của trường, số lượng thí sinh đăng ký dự thi môn toán nhiều nhất, cả 2 đợt có hơn 1.370 thí sinh. Môn tiếng Anh có hơn 1.170 thí sinh. Tiếp theo đó là môn ngữ văn, hóa học, vật lý và sinh học.
Năm 2023, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt 6 môn gồm: toán học; vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc nhiều bài thi trong số các bài thi ở trên để đăng ký xét tuyển vào các ngành học có áp dụng phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi này.
Thí sinh làm bài thi trên máy tính. Các bài thi toán, vật lý, hóa học và sinh học đều diễn ra trong 90 phút, gồm các câu hỏi trắc nghiệm khách quan và câu hỏi dạng trả lời ngắn, thí sinh tính toán và điền kết quả vào phần trả lời trên hệ thống. Riêng bài thi ngữ văn, bên cạnh các câu hỏi trắc nghiệm khách quan còn có 1 bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội. Đề bài được đặt ra theo định hướng mở với yêu cầu viết trong khoảng 600 từ, thí sinh làm bài trực tiếp trên hệ thống.
Bài thi năng lực môn tiếng Anh sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Bài thi gồm 4 phần, tương ứng với đủ cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Các nội dung kiến thức sử dụng để đánh giá năng lực của thí sinh được đề cập trong các bài thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, trong đó phần nội dung kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70-80%. Còn lại là nội dung kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11.
Cách thức xét tuyển điểm
Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, năm nay Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dành 30% chỉ tiêu nhiều ngành để xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt kết hợp với kết quả học tập THPT.
Các ngành gồm: sư phạm toán học, sư phạm tin học, công nghệ thông tin, sư phạm vật lý, vật lý học, sư phạm hóa học, hóa học, sư phạm sinh học, sư phạm ngữ văn, văn học, Việt Nam học, sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh, sư phạm tiếng Trung Quốc, ngôn ngữ Trung Quốc, sư phạm tiếng Pháp, ngôn ngữ Pháp, sư phạm tiếng Nga, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Hàn Quốc, giáo dục tiểu học, giáo dục đặc biệt, giáo dục công dân, giáo dục chính trị, giáo dục quốc phòng-an ninh, sư phạm công nghệ và sư phạm khoa học tự nhiên.
Ứng với từng tổ hợp xét tuyển vào các ngành học, môn chính được lấy kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hoặc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức. Hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển được lấy kết quả học tập ở THPT.
Điểm xét tuyển được xác định: tổng điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức trong năm 2022, 2023 hoặc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2023 (quy đổi về thang điểm 10) của môn chính (nhân hệ số 2), cộng với điểm trung bình môn 6 học kỳ ở THPT của 2 môn còn lại trong tổ hợp. Tổng điểm này được quy đổi về thang điểm 30 và cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ GD-ĐT, được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Năm 2022, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có tổng cộng 1.978 lượt thí sinh đăng ký dự thi. Trường dành khoảng 20% chỉ tiêu của 21 ngành để xét điểm kỳ thi này, trong đó ngành sư phạm toán học có điểm chuẩn cao nhất ở mức 28,04.