Mới đây, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Minh Thi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân quê Bình Phước cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, vã mồ hôi, chỉ số đường huyết mao mạch cao không đo được.
Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân ghi nhận đường huyết tăng 731 mg/dl, HbA1c (đường huyết trong ba tháng) đến 10,47% (bình thường 4-6%). Các chỉ số khác như định lượng ceton (axit trong máu), tryglycerid (chất béo trung tính), chỉ số nhiễm khuẩn lần lượt tăng 14, 22 và 302 lần so với bình thường. Xét nghiệm đặc hiệu trong chẩn đoán viêm tụy cho thấy chỉ số cao gấp 20 lần. Ngoài ra, tụy của người bệnh sưng nhẹ, ít dịch ổ bụng.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị biến chứng tăng đường huyết, toan chuyển hóa (axit máu cao), viêm tụy cấp nặng, nguy cơ tử vong cao. Bệnh viện đã thay huyết tương, lọc máu cho bệnh nhân. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng của ông Thành đã dần cải thiện hơn.
Bệnh nhân cho biết mỗi tháng chi 12 triệu đồng mua thuốc nam về nấu uống với liều ba lần/ngày. Hai ngày trước khi nhập viện, ông đau râm ran quanh rốn, cơn đau tăng dần lan khắp bụng, khát nước dữ dội.
Trước đó, bệnh viện cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ (61 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) bị suy thận cấp tính do bỏ thuốc tây trị tiểu đường để uống thuốc nam dạng viên. Bà cũng phải nằm cấp cứu, truyền insulin điều chỉnh đường huyết.
Đây là hai trong số 5 bệnh nhân tiểu đường vào bệnh viện Tâm Anh cấp cứu một tháng qua do biến chứng cấp tính sau khi bỏ thuốc điều trị để uống thuốc nam. Các bác sĩ cho biết thêm hầu hết trường hợp phải hồi sức tích cực, truyền insulin điều chỉnh đường huyết, điều trị khó khăn.
Từ các trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần đến viện khám, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không nên tin vào quảng cáo trên mạng xã hội, tránh dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Theo dõi quá trình điều trị và hiệu quả, điều chỉnh chế độ ăn uống, tầm soát biến chứng giúp tránh tổn thương đến thận, mạch máu, tim mạch, mắt…
Lê Trang