Những năm qua, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, lan tỏa cả chiều rộng và chiều sâu; người lao động (NLĐ) và các tầng lớp Nhân dân ngày càng hiểu rõ giá trị, lợi ích của chính sách, từ đó tích cực, chủ động tham gia; niềm tin vào chính sách ngày càng được củng cố và tăng cường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang trong quá trình hoàn thiện, số người nhận BHXH một lần có xu hướng tăng ở nhiều địa phương. Để tiếp tục tạo sự đồng thuận, thống nhất trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, bền vững cho NLĐ, BHXH Việt Nam đề nghị các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam (đơn vị), BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH các tỉnh) thực hiện truyền thông chuyên đề về BHXH một lần, cụ thể như sau:
Truyền thông sâu, rộng về ý nghĩa, giá trị của việc hưởng lương hưu hằng tháng
– Tham gia BHXH để lúc về già được hưởng lương hưu đảm bảo cuộc sống và được cấp thẻ BHYT miễn phí để được chăm sóc sức khỏe, đây là bản chất nhân văn của chính sách, là chính sách hỗ trợ thiết thực cho NLĐ. Thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là một khoản tích lũy của bản thân khi còn sức khỏe, còn thu nhập để dành khi về già.
– NLĐ có lương hưu, đồng nghĩa với việc sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng bảo đảm cuộc sống khi về già, giúp NLĐ tự chủ hơn trong cuộc sống của mình, không phải lệ thuộc vào gia đình và xã hội.
– Được cấp thẻ BHYT miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để thực hiện khám chữa bệnh, không phải lo lắng khi không may bị ốm đau, bệnh tật.
– Lương hưu được Nhà nước điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế, vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá.
– Khi NLĐ qua đời, người lo mai táng sẽ được hưởng trợ cấp mai táng (bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm mất) và thân nhân NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng nếu đủ điều kiện theo quy định.
Truyền thông nhấn mạnh những thiệt thòi khi NLĐ lựa chọn nhận BHXH một lần
Khi số NLĐ nghỉ việc chờ nhận BHXH một lần tăng cao, sẽ ảnh hưởng và gây bất lợi trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh và sự ổn định của lực lượng lao động. Do đó, BHXH các tỉnh cần tập trung truyền thông, cụ thể như sau:
Thông tin đầy đủ về thực trạng rút BHXH một lần tại địa phương và nguyên nhân chính khiến NLĐ quyết định rút BHXH một lần; các giải pháp cơ quan BHXH đã triển khai trong việc thông tin, truyền thông đến NLĐ nhằm giảm tình trạng rút BHXH một lần để người sử dụng lao động (NSDLĐ) biết và cùng chung trách nhiệm phối hợp truyền thông đến NLĐ.
– Truyền thông đến NSDLĐ trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc tham gia BHXH đầy đủ cho NLĐ để NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững. Việc đảm bảo để NLÐ luôn ở trong hệ thống an sinh xã hội, không chỉ là quyền lợi của NLÐ mà còn là giải pháp để NLÐ gắn bó lâu dài hơn với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nhân lực.
– Truyền thông để NSDLĐ nhận thấy được những ảnh hưởng khi NLĐ nghỉ việc tập thể chờ nhận BHXH một lần, như: nguy cơ thiếu hụt lao động, lãng phí nguồn lao động có tay nghề, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh,… Từ đó, khuyến nghị NSDLĐ chủ động có giải pháp, phối hợp truyền thông để NLĐ không nghỉ việc để rút BHXH một lần.
– Truyền thông để NSDLĐ có chính sách khuyến khích, giữ chân NLĐ làm việc lâu dài cho doanh nghiệp, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực của doanh nghiệp đi đôi với chăm lo cuộc sống vật chất, tinh thần của NLĐ.
– Truyền thông về những thiệt thòi khi NLĐ lựa chọn nhận BHXH một lần; những lợi ích, giá trị được hưởng khi không nhận BHXH một lần và bảo lưu thời gian đóng để khi có điều kiện tiếp tục tham gia.
Truyền thông kết quả vận động NLĐ không nhận BHXH một lần tại địa phương, nhất là sau khi truyền thông, vận động NLĐ đã nhận ra giá trị, lợi ích khi ở lại hệ thống và không nhận BHXH một lần; các tấm gương thực tế “người thật, việc thật”…
Về hình thức truyền thông, BHXH Việt Nam yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
– Phối hợp cấp ủy đảng, sở, ban, ngành tại địa phương và các đơn vị có liên quan tăng cường truyền thông dưới nhiều hình thức để NLĐ hiểu rõ về tính nhân văn, ưu việt, tính chia sẻ, trách nhiệm cộng đồng của việc tham gia BHXH, những bất lợi khi lựa chọn nhận BHXH một lần, lợi ích của chế độ hưu trí, quyền được bảo đảm an sinh của mỗi người dân. Chủ động báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Ủy ban nhân dân các cấp khi tình trạng nhận BHXH một lần ở địa phương tăng cao để có các giải pháp kịp thời.
– Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tại địa phương đăng tải các tin bài, phóng sự, xây dựng chuyên trang, chuyên mục,… để tăng cường truyền thông theo các nội dung truyền thông đã nêu tại mục 1 của công văn.
– Phối hợp sở, ban, ngành tại địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức các hội nghị đối thoại với NLĐ về chế độ hưu trí, BHXH một lần.
– Chú trọng đẩy mạnh sản xuất, đăng tải các tin, bài theo các nội dung truyền thông với từng nhóm chủ thể tại mục 2 Công văn này trên: Cổng Thông tin điện tử, Fanpage Facebook, Zalo OA,… của BHXH tỉnh, UBND và các sở, ngành liên quan; hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Đồng thời, cung cấp thông tin cho Trung tâm Truyền thông để tổ chức truyền thông trên các kênh truyền thông của Ngành và qua kênh truyền thông của các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương.
– Chủ động, thường xuyên nắm bắt các thông tin được báo chí và dư luận xã hội quan tâm để kịp thời lựa chọn nội dung, hình thức, giải pháp truyền thông phù hợp.
Nguồn: https://www.congluan.vn/tang-cuong-truyen-thong-ve-chinh-sach-bhxh-va-nhung-thiet-thoi-khi-nhan-bhxh-mot-lan-post301841.html