Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Bình đã trao đổi, thông tin với Đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua; kết quả thực hiện công tác dân tộc, các chính sách dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Về Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021; Chương trình gồm 10 dự án với 14 Tiểu dự án thành phần, 36 nội dung. Sau 03 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã mang lại những kết quả tích cực, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi; nhiều chỉ tiêu thực hiện đến hết năm 2023 hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi cuối năm 2023 giảm còn 11,04%, đạt và vượt kế hoạch được giao (giảm bình quân trên 3%), an ninh trật tự xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên trong qúa trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như nhiều nội dung mặc dù đã được bố trí vốn nhưng không thể triển khai, phải thực hiện điều chỉnh hoặc chậm được giải ngân (Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; Tiểu Dự án 2, Dự án 10. Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi).
Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG vẫn còn một số nội dung chưa thực sự phù hợp, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện.
Cụ thể: Yêu cầu các địa phương ban hành rất nhiều quy định để điều chỉnh trong phạm vi của tỉnh, trong khi thực tế có nhiều quy định phải đợi Trung ương có Văn bản hướng dẫn. Một số quy định yêu cầu địa phương ban hành trong khi không có văn bản hướng dẫn và thực tế địa phương chưa bao giờ thực hiện. Việc quy định giao cho địa phương ban hành các nội dung trên sẽ dẫn đến mỗi địa phương có quy định khác nhau, không thống nhất trong phạm vi cả nước.
Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững không quy định cụ thể chủ đầu tư, dẫn đến các địa phương gặp lúng túng khi xác định chủ đầu để triển khai thực hiện Dự án.
Đặc biệt, việc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình, dự án, chính sách, vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện giảm nghèo hiệu quả chưa cao. Việc bố trí vốn đối ứng của tỉnh để thực hiện các Chương trình theo quy định chưa đáp ứng yêu cầu.
Năng lực quản lý, điều hành của nhiều huyện, xã, chủ đầu tư còn hạn chế; Việc đề xuất lựa chọn dự án còn chưa sát với nhu cầu thực tế, thiếu tính khả thi nên phải điều chỉnh danh mục dự án nhiều; Tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư nhìn chung còn chậm. Tiến độ giải ngân chậm, phải kéo dài thời gian thực hiện, cá biệt có dự án kéo dài từ năm 2022 sang năm 2024.
Nội dung hỗ trợ đất sản xuất, đất ở thuộc Dự án 1, đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 9 chưa triển khai thực hiện…
Nhân dịp này, Đoàn đến thăm quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm tại một số mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả tại huyện Thường Xuân.
Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc Nghệ An cho biết. Chuyến đi công tác học tập kinh nghiệm này là dịp để những người làm công tác dân tộc ở Nghệ An có cơ hội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm và tiếp thu những mô hình phát triển kinh tế, xã hội, những đổi mới của tỉnh bạn, góp phần thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Kết thúc chuyến tham quan học tập kinh nghiệm các đại biểu tỏ ra vui mừng, phấn khởi do được sự quan tâm chu đáo của lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Qua những kinh nghiệm bổ ích đã được học tập để áp dụng tại địa phương, nhằm thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống trong đồng bào dân tộc thiểu số.