Thông qua Chương trình trải nghiệm “Em là chiến sĩ Phòng cháy, chữa cháy” được tổ chức vào mỗi dịp hè, nhiều em thiếu nhi, học sinh đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH). Từ đó giúp các em không chỉ biết cách tự bảo vệ bản thân mà còn có thể hỗ trợ những người xung quanh trong trường hợp khẩn cấp.
Các em thiếu nhi được hướng dẫn cách sơ cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp |
Giữa tháng 6 vừa qua, 40 em học sinh trên địa bàn TP Đà Lạt đã được cùng tham gia vào Chương trình trải nghiệm “Em là chiến sĩ PCCC” ngay tại trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh (PC07). Trong bộ đồng phục của người lính cứu hỏa, những “chiến sĩ nhí” hào hứng trả lời những câu hỏi của các chú cảnh sát, chăm chú quan sát khi được hướng dẫn cách sơ cứu bạn bè bị đuối nước hay hóc vật thể lạ, thích thú tham quan xe cứu hỏa và tự tay dập tắt lửa bằng vòi phun nước dưới sự hỗ trợ của các chiến sĩ Phòng PC07…
Đây là đợt trải nghiệm đầu tiên trong chuỗi 4 chương trình sẽ được Phòng PC07 phối hợp cùng các đơn vị tổ chức trong tháng 6. Đối tượng tham gia chương trình là các em thiếu thi từ 5-14 tuổi.
Trực tiếp đứng lớp, tuyên truyền cho các em học sinh,Thượng úy Trần Trung Hiếu – cán bộ Phòng PC07 cho biết: “Sở dĩ chúng tôi lựa chọn độ tuổi này bởi đây là giai đoạn hình thành những kỹ năng mềm trong cuộc sống, tuy nhiên, đa phần các em vẫn chưa có nhận thức rõ ràng về những nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ cũng như các hành động có thể dẫn đến tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích. Các em cũng chưa có kỹ năng xử lý, khiến điều này trở thành vấn đề luôn khiến nhiều phụ huynh lo lắng”.
Khởi động chương trình trải nghiệm, các em được tiếp cận với vấn đề thông qua những câu đố vui, những chia sẻ và tình huống giả định gần gũi với thực tế. Từ đó, các em có thêm kiến thức về PCCC, đồng thời, hình thành các kĩ năng thực hành cần thiết, phản ứng nhanh nhạy trước các tình huống trong cuộc sống; góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như bạn bè và người thân trong gia đình.
Bên cạnh đó, “các chiến sĩ nhí” cũng được nghe giới thiệu về lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH. Đồng thời, tham quan, tìm hiểu phương tiện, thiết bị chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn cách sử dụng một số dụng cụ và phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Cũng như thực hành kỹ năng chữa cháy bằng bình chữa cháy xách tay, trải nghiệm thoát nạn bằng xe thang chữa cháy…
Em Mai Phước Quốc Khánh – học sinh Trường Tiểu học Hùng Vương, TP Đà Lạt chia sẻ: “Ban đầu, em không biết cách sử dụng bình chữa cháy xách tay nên rất sợ, nhưng khi được các chú cảnh sát hướng dẫn kỹ các thao tác và cùng các chú trải nghiệm cách xịt dập lửa, em đã mạnh dạn hơn nhiều để khi có trường hợp khẩn cấp ở nhà hoặc ở trường, em cũng có thể hỗ trợ mọi người. Ngoài ra, em còn được thực hành các động tác cứu người khi gặp bạn bị đuối nước hay bị hóc kẹo”.
Thượng tá Nguyễn Tiến Hồng – Trưởng Phòng PC07 cho biết, chương trình là một trong những nội dung thực hiện Thông tư 06 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Thông qua chương trình sẽ giúp các em trang bị những kiến thức cơ bản, biện pháp về PCCC, phòng, chống đuối nước và một phần kỹ năng sinh tồn cho các em học sinh.
Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, UBND tỉnh, C07- Bộ Công an trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện về PCCC&CNCH và phòng chống đuối nước ở trẻ em, thời gian qua, Phòng PC07 đã phối hợp với các đơn vị, cơ quan thông tấn báo chí tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về PCCC&CNCH qua nhiều hình thức. Cụ thể như đã gửi hơn 2 triệu tin nhắn đến các thuê bao di động; phát sóng 5 phóng sự, 20 bài tuyên truyền về PCCC&CNCH; tổ chức 8 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở với gần 1.500 người tham gia. Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ còn tổ chức tuyên truyền đến các hộ gia đình, cán bộ, công nhân, người làm việc tại các cơ sở thuộc diện quản lý.
Thượng tá Nguyễn Tiến Hồng cho biết thêm: “Hiện tại, Công an các địa phương cũng đang tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ, kiến thức PCCC, đảm bảo ít nhất mỗi gia đình có 1 người được huấn luyện, vận động mỗi gia đình có ít nhất 1 bình chữa cháy. Việc này làm giảm các nguy cơ xảy ra cháy tại các hộ gia đình, góp phần đảm bảo an toàn PCCC, ANTT tại địa phương…”.
Anh Trần Ngọc Minh – Bí thư Thành Đoàn Đà Lạt chia sẻ: “Bước vào mùa hè là thời điểm thường xảy ra nhiều sự cố cháy nổ, cũng như đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em, những chương trình trải nghiệm là hết sức cần thiết và có ý nghĩa thiết thực. Bởi PCCC&CNCH là câu chuyện lâu dài, khi thiếu nhi được hình thành kiến thức, kỹ năng từ nhỏ, các em sẽ áp dụng thành thạo, đồng thời, trở thành tuyên truyền viên hiệu quả trong gia đình, nhà trường và xã hội”.