(ĐCSVN) – Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, Lào Cai đang đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động, tạo việc làm trên địa bàn, hướng tới mục tiêu đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
“Thấm từng nhà – Ngấm từng đối tượng”
Là tỉnh vùng cao biên giới có hơn 66% dân số là người dân tộc thiểu số, hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, tăng cơ hội việc làm, thu nhập cho người lao động, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai rất chú trọng thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.
Trong những nỗ lực để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2021 – 2025, ngày 10/10/2022 Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động, tạo việc làm trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025.
Chỉ thị 30-CT/TU xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, trong đó nhấn mạnh: Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội địa phương hàng năm và nhiệm kỳ; đẩy mạnh đào tạo chuyển từ cung sang cầu thị trường lao động.
Tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị qua hệ thống các văn bản chỉ đạo như: Kế hoạch 89/KH-UBND ngày 15/2/2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh; Kế hoạch 221/KH-UBND ngày 27/4/2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023; Kế hoạch 217-KH/TU ngày 04/7/2023 của Tỉnh ủy Lào Cai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…, đồng thời tăng cường tổ chức các hội nghị quán triệt, đối thoại với ngành, cơ sở đào tạo để lắng nghe và tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, từng bước đưa Chỉ thị vào thực tiễn.
Hội nghị tiếp xúc đối thoại của Thường trực Tỉnh ủy với ngành LĐ-TB và XH, tiếp tục triển khai Chỉ thị 30-CT/TU (nguồn: baolaocai.vn)
|
Với phương châm tuyên truyền được xác định trong Chỉ thị 30-CT/TU “Thấm từng nhà – Ngấm từng đối tượng”, Lào Cai chú trọng xây dựng chuyên trang, chuyên mục Lao động – Việc làm trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Lào Cai; mỗi năm xây dựng 12 phóng sự, tin bài tuyên truyền chính sách pháp luật lao động, việc làm; Sở LĐ- TB và XH tổ chức hội nghị tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 377 cán bộ làm công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp. Qua đó, đã tư vấn cho 105.357 lượt người lao động; tổ chức 452 phiên giao dịch việc làm (bằng 113% kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, bằng 236,65% so với giai đoạn 2016 – 2020, đứng thứ 2 so với 5 tỉnh miền múi phía Bắc); kết nối với 500 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tư vấn giới thiệu việc làm; tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn cho trên 23.000 lao động.
Chú trọng chất lượng giảng viên giáo dục nghề nghiệp
Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (11 cơ sở công lập, 03 cơ sở ngoài công lập). Trong giai đoạn này, Trường Cao đẳng Lào Cai được Bộ LĐ- TB và XH lựa chọn để đầu tư 07 nghề trọng điểm cấp quốc tế, ASEAN, quốc gia. Để hiện thực hóa nội dung Chỉ thị 30- CT/TU là “đào tạo đón đầu nhu cầu xã hội”, Lào Cai đặc biệt quan tâm đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, giai đoạn này có 03 chương trình, giáo trình đào tạo nghề chất lượng cao được ban hành (thuộc các nghề Cao đẳng công nghệ ô tô, Cao đẳng điện công nghiệp, Trung cấp nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn).
Đáng chú ý, Trường Cao đẳng Lào Cai có 05 nghề được các công ty kiểm định ngoài đánh giá đạt yêu cầu (04 nghề trình độ cao đẳng gồm nghề điện công nghiệp, nghề công nghệ ô tô nghề, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, nghề hàn; 01 nghề trình độ trung cấp là nghiệp vụ nhà hàng khách sạn), từng bước xây dựng để trở thành trường dạy nghề chất lượng cao vào năm 2025.
Bên cạnh đó, có trên 10 trường cao đẳng, trung cấp ngoài tỉnh tham gia liên kết đào tạo nghề với các nhóm ngành mới, nhu cầu xã hội cao là du lịch dịch vụ, chăm sóc sắc đẹp, điện, tiếng Trung Quốc…
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được chú trọng: Tổng số giáo viên, giảng viên đang công tác trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn hiện có 342 người, chất lượng đội ngũ cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Tỉnh chú trọng tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ như: tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng dạy học, nâng cao trình độ chuyên môn cho 131 lượt người dạy nghề, nhà giáo tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Riêng năm 2024 đã tổ chức 02 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho 62 cán bộ lãnh đạo quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh.
Khung cảnh lớp tập huấn dành cho giảng viên trường Cao đẳng Lào Cai (20 – 25/7/2023) do giáo sư trường Đại học dạy nghề Hàn Quốc đứng lớp (nguồn: baodantoc.vn)
|
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đặt mục tiêu đào tạo cho 58.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 32%. Với những nỗ lực mạnh mẽ, đến hết tháng 9 năm 2024, Lào Cai đã tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng lại cho 48.359 người, đạt 83,38 % kế hoạch giai đoạn, trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp là 14.585 người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 33.774 người.
Dự kiến hết năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh ước đạt 68,8%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 31%. Việc đào tạo chú trọng các nghề thuộc lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm của tỉnh như du lịch và dịch vụ, công nghiệp – xây dựng…góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động đúng hướng.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả đào tạo nghề
Mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng, song thời gian vừa qua công tác đào tạo nghề vẫn còn những khó khăn nhất định, từ việc một số hướng dẫn triển khai trong công tác đào tạo nghề chưa cụ thể (như quy định về đối tượng hưởng chính sách trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) khiến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn vướng mắc trong quá trình tuyển sinh, thực hiện; hoặc ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (YAGI) gây thiệt hại đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khiến nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp không nhiều; chất lượng dạy nghề ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự tốt, trong khi mô hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đang bộc lộ những hạn chế; việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn có những khó khăn trong tổ chức lớp học, ảnh hưởng đến hiệu quả dạy nghề.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 30-CT/TU, tiến tới hoàn thành tốt mục tiêu Đề án và mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI đặt ra, trong thời gian còn lại của giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lào Cai xác định tập trung một số nội dung sau:
Tiếp tục nghiên cứu và kiến nghị với Trung ương một số nội dung như hướng dẫn xác định đối tượng “người thu nhập thấp” được hỗ trợ học nghề từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, đề nghị nâng mức hỗ trợ tiền ăn từ 30.000 đồng/người/ngày thực học lên 50.000 đồng/người/ngày thực học…
Tiếp tục quán triệt phương châm “Thấm từng nhà – Ngấm từng đối tượng” trong tuyên truyền về nghề nghiệp, việc làm cho người lao động nhằm thay đổi tư duy, lựa chọn của người lao động về học nghề và tham gia thị trường lao động theo khả năng.
Chú trọng hơn nữa công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh từ cấp học trung học cơ sở, đặc biệt chú trọng việc tư vấn hướng nghiệp phù hợp với từng nhóm đối tượng và phù hợp nhu cầu xã hội. Khuyến khích học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia mô hình vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người học, đồng thời tỉnh chỉ đạo tổng kết thực tiễn mô hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên để đánh giá và có hướng phát triển tiếp theo.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu về thị trường lao động và việc làm tại mỗi địa phương và trên phạm vi toàn tỉnh. Huy động nhiều nguồn lực để tăng vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, tăng cường công tác hỗ trợ đào tạo nghề, thông tin thị trường lao động dịch vụ việc làm, nhất là việc làm nông thôn.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động các phiên giao dịch việc làm tại trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị, thành phố để tư vấn đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù khuyến khích, thu hút lao động đặc thù đi làm việc trong và ngoài tỉnh; khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nghề phục vụ các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn.
Khai thác tối đa thông tin của Văn phòng trung tâm thông tin, tư vấn và hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài góp phần nâng cao nhận thức và thu nhập cho người lao động, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo… trên địa bàn Lào Cai.
Có thể nói, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 30-CT/TU chính là bảo đảm “đổi mới cơ bản, mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, lao động việc làm, xây dựng phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, cơ cấu và chất lượng phù hợp với nhu cầu sử dụng”, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước đến năm 2045./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/giao-duc/lao-cai-tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-giao-duc-nghe-nghiep-682531.html