Bước chuyển từ nhận thức đến hành động
Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, kéo dài từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná (Ninh Thuận) đến bãi bồi Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu). Vùng biển Bình Thuận liên thông vùng Đông Nam bộ, Đông Trường Sa; có huyện đảo Phú Quý nằm ngoài khơi cách Phan Thiết hơn 56 hải lý, thuộc hệ thống đảo tiền tiêu, có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh, đồng thời là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là phát triển hoạt động khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá trên vùng biển xa bờ. Bên cạnh thuận lợi, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác, thu mua hải sản diễn biến khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Tính đến tháng 12/2017, toàn tỉnh có 6.939 tàu cá, trong đó tàu cá công suất từ 90 CV trở lên có 3.118 chiếc (chiếm 44,7%), riêng tàu đăng ký thường xuyên hoạt động trên các vùng biển xa là 1.248 chiếc. Trong số tàu cá xa bờ, nhóm nghề có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài được xác định là nghề câu khơi, nghề lặn của thị xã La Gi và huyện Phú Quý, nghề dịch vụ thu mua của Phú Quý. Trên thực tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, tỉnh ta ghi nhận có 5 vụ/7 tàu/51 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Trong đó, Thái Lan bắt giữ 2 vụ/4 tàu cá/29 ngư dân; Malaysia bắt giữ 2 vụ/2 tàu cá/14 ngư dân; Indonesia bắt giữ 1 vụ/1 tàu cá/8 ngư dân. Ngoài ra, tháng 2/2018, Đồn Biên phòng Phú Quý còn phát hiện và ngăn chặn kịp thời 3 tàu cá tại huyện Phú Quý chuẩn bị đi khai thác hải sản tại vùng biển nước ngoài.
Xác định phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 30 và chỉ đạo nhiều nhiệm vụ, giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Trên tinh thần Chỉ thị số 30, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh đã ra quyết định loại 16 tàu cá ra khỏi danh sách tàu cá thường xuyên hoạt động trên các vùng biển xa, trong đó có 10 tàu cá do chủ tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, 6 tàu cá vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản tại địa phương. Có thể nói, đây là bước chuyển mới, quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong nỗ lực chống khai thác IUU, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân khi khai thác hải sản xa bờ, ngư dân cũng thấy rõ hơn tác hại, hậu quả của việc đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Tiếp tục ngăn chặn tàu cá vi phạm
Nhìn lại quá trình hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho thấy, tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm dần qua từng năm. Đặc biệt trong gần 2 năm (từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2021), Bình Thuận không có tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, từ giữa năm 2021 đến nay đã xảy ra 8 vụ/9 tàu/69 ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ. Riêng 5 tháng đầu năm 2023 xảy ra 1 vụ/1 thuyền/7 lao động bị Malaysia bắt giữ. Đáng lưu ý các tàu cá này thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh ít khi về địa phương nên việc quản lý, kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, công tác chống khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, liên tục, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, các lực lượng liên quan, địa phương. Qua đó, đã hạn chế, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Trong triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (VMS), thì Bình Thuận cũng đang dẫn đầu cả nước với kết quả đạt 99%, trong khi tỷ lệ này trên cả nước đạt khoảng 70%. Nhờ VMS, công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá đã có sự cải thiện, hiệu quả đáng kể, nhất là việc kịp thời cảnh báo các trường hợp tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam.
Theo Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh, dù đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận và tình hình có những chuyển biến tích cực, nhưng kết quả đạt được trong công tác chống khai thác IUU chưa bền vững. Một số ít ngư dân ý thức chấp hành pháp luật kém, vì lợi ích kinh tế của bản thân, gia đình mà bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đã cố tình vi phạm pháp luật, khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Hơn nữa, việc quản lý tàu cá trong tỉnh thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu chặt chẽ; nguy cơ tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài còn cao. Đây là điều đáng lo, bởi Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác IUU của Việt Nam. Nếu không quyết liệt để gỡ “thẻ vàng”, Việt Nam có thể bị gia tăng cấp độ lên mức “thẻ đỏ”, nghĩa là Việt Nam sẽ mất thị trường xuất khẩu hải sản sang châu Âu. Trước tình hình đó, tỉnh đề ra mục tiêu từ nay đến hết năm 2023 không để tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài; hoàn thành lắp đặt 100% thiết bị VMS.
Thiết nghĩ, để đạt được yêu cầu trên, các ngành, địa phương liên quan phải tiếp tục triển khai Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bằng hành động một cách đồng bộ, quyết liệt hơn nữa và bằng những nhiệm vụ, giải pháp, cách làm cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Thực hiện nghiêm việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Song song với đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trên lĩnh vực này cho ngư dân, ngành chức năng phải giám sát chặt chẽ nguồn gốc, sản lượng hải sản khai thác của các tàu cá. Phát huy hệ thống VMS để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp tàu cá vượt ranh giới trên biển. Mặt khác, khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm, xử phạt mức tối đa theo khung pháp luật quy định đối với chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp vùng biển nước ngoài đã phát hiện trong thời gian vừa qua. Lập hồ sơ xử lý nghiêm các tàu cá đã được lực lượng chức năng cảnh báo nhưng vẫn cố tình vi phạm vùng biển các nước, kể cả trường hợp không bị phía nước ngoài bắt giữ.
Tin rằng, với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng những nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự đồng thuận, chấp hành nghiêm của ngư dân, tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định sẽ sớm được chấm dứt như kỳ vọng. Khi đó, Bình Thuận sẽ đóng góp tích cực để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC, đảm bảo để hải sản Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường châu Âu…