Bài, ảnh: L. MẪN
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng trở thành ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỷ trọng doanh thu lớn. Ngành Thuế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, góp phần vào ngân sách nhà nước…
Tập trung triển khai
Mua sắm trực tuyến trở thành xu hướng tiêu dùng mới, nhất là đối với giới trẻ.
Một trong những giải pháp được Tổng cục Thuế thực hiện là tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các nhà cung cấp nước ngoài và thực hiện tiếp nhận thông tin TMĐT trong nước để có cơ sở thu thuế nhà bán hàng trên sàn TMĐT. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến đầu tháng 6-2023, đã có 55 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thu ngân sách nhà nước các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử từ đầu năm đến nay là 3.401 tỉ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng là 1.717 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 1.684 tỉ đồng.
Về việc tiếp nhận thông tin TMĐT trong nước, đối với kỳ cung cấp thông tin đầu tiên (quý IV-2022), tính đến giữa tháng 5-2023, đã có hơn 309 sàn cung cấp thông tin trên Cổng thông tin TMĐT tử của Tổng cục Thuế. Theo đó, cơ quan thuế đã có được danh sách của 159.218 cá nhân và 31.881 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn, với 50,7 triệu lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 15.272 tỉ đồng. Đối với kỳ cung cấp thông tin quý I-2023, tính đến giữa tháng 5-2023, đã có 240 sàn cung cấp thông tin. Cơ quan thuế đã có danh sách của 41.377 cá nhân và 11.690 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn, với hơn 90 tỉ lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 9.786 tỉ đồng. Trong các sàn TMĐT cung cấp thông tin có một số sàn chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Voso…
Tại TP Cần Thơ, công tác quản lý thuế TMĐT cũng được ngành Thuế thành phố quan tâm tăng cường. Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, Cục Thuế thành phố đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan trong tăng cường công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số. Đồng thời, làm việc với một số đơn vị và đã được cung cấp hồ sơ thông tin của cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số. Các hồ sơ được phân tích về trạng thái đăng ký thuế, thu nhập có thể nhận được trong các năm để có cơ sở đấu tranh thu thuế theo đúng quy định. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung gian vận chuyển, trung gian thanh toán cũng được rà soát, chủ động thu thập các dữ liệu liên quan đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT. Ngoài ra, tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức là chủ sở hữu sàn TMĐT cung cấp các thông tin theo quy định tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP…
Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn
Mặc dù bước đầu đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng của quy mô TMĐT tại Việt Nam, những đóng góp của lĩnh vực này vào ngân sách nhà nước còn hạn chế. Nguyên nhân chính được cho là do tính chất đặc thù của TMĐT khác với thương mại truyền thống về quy mô hoạt động trên môi trường Internet có tính phi biên giới; dễ dàng thay đổi, che giấu thông tin… Đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp quản lý thuế đối với các hoạt động TMĐT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30-5-2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ. Trong đó, yêu cầu các Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số để áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế trên cơ sở dữ liệu lớn.
Về phía Tổng cục Thuế đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT vào nền nếp. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu phương án xây dựng Quy trình chuẩn hóa, khai thác và sử dụng dữ liệu của các sàn TMĐT cung cấp. Đồng thời, đã kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ triển khai đề án TMĐT để triển khai giai đoạn 2 với mục tiêu phối hợp các Bộ, ngành, tổ chức liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Theo bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế, cơ quan thuế tiếp tục tuyên truyền để hỗ trợ người nộp thuế là các sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc khai thay, nộp thay cá nhân kinh doanh thông qua sàn theo ủy quyền. Trên cơ sở thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT do sàn cung cấp trên Cổng thông tin TMĐT, cơ quan thuế sẽ khai thác thông tin về hoạt động kinh doanh thông qua sàn của các tổ chức, cá nhân và thực hiện rà soát đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu…
Về công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Văn Tuấn cho biết: Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát, trình Bộ, trình cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý vững chắc để thực hiện công tác quản lý thuế hiệu quả. Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT; đồng thời áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Mặt khác, tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan trong công tác quản lý thuế đối với TMĐT. Ngành Thuế vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài và Cổng tiếp nhận thông tin điện tử từ các sàn giao dịch TMĐT để tăng cường công tác quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài và hoạt động TMĐT trong nước…