Cùng với lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường… trong những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Một mặt bằng quy hoạch trên địa bàn phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, Sở TN&MT, các đơn vị chức năng của sở đã đôn đốc, hướng dẫn, thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 27/27 huyện, thị xã, thành phố; tham mưu, báo cáo UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, giai đoạn 2021-2025 theo chỉ tiêu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9-3-2022; tham mưu UBND tỉnh báo cáo các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg ngày 6-4-2022 quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thông qua cho phép chuyển mục đích 554,306 ha đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện 324 dự án; chấp thuận thu hồi 1.838,0473 ha đất để thực hiện 502 dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời, thẩm định trình UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất giao UBND các huyện tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện 98 dự án với diện tích 545,8 ha. Trong đó thuê đất 72 dự án, diện tích 421,28 ha; giao đất có thu tiền sử dụng đất 1 dự án, diện tích 13,86 ha; giao đất không thu tiền sử dụng đất 22 dự án, diện tích 92,67 ha; thu hồi đất giao UBND cấp huyện tổ chức bồi thường GPMB 3 dự án, diện tích 17,99 ha. Tại UBND cấp huyện, thực hiện cho thuê 0,35 ha đất; giao đất có thu tiền sử dụng đất với diện tích 73,39 ha; giao đất không thu tiền sử dụng đất với 157 ha; chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp là 246,08 ha.
Đặc biệt với sự vào cuộc tích cực từ ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã hoàn thành công tác thống kê đất đai năm 2021 với tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 1.111.471 ha (đất nông nghiệp 915.551 ha, chiếm 82,37%; đất phi nông nghiệp 172.300 ha, chiếm 15,50%; đất chưa sử dụng 23.620 ha, chiếm 2,13%). Đồng thời, tổ chức kiểm tra nghiệm thu các trích đo địa chính phục vụ công tác thu hồi, GPMB các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; lập 39.170 bản trích lục, trích đo, đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính; cập nhật chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính 43.596 hồ sơ. Triển khai đo đạc bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 2451/QĐ-UBND của UBND tỉnh tại 174 xã, phường, thị trấn thuộc 16 huyện, thị xã, thành phố gồm: Triệu Sơn, Hà Trung, Đông Sơn, TP Thanh Hóa, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Quảng Xương… Đến nay, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân được 652.016,46 ha/685.015,19 ha diện tích cần cấp (đạt 95,18%); số giấy đã cấp 2.369.818 giấy/2.428.406 số giấy cần cấp (đạt 97,59%).
Để bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là những dự án lớn, công tác bồi thường, GPMB được tỉnh, ngành chức năng, chính quyền địa phương có liên quan tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo nhiệm vụ được giao đã bám sát cơ sở tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc thuộc các dự án lớn, trọng điểm như: Dự án Đường ven biển, Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Lèn – KEXIM1; Dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En; Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực thị xã Nghi Sơn; Dự án đường nối TP Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân…
Cùng với đó nhiệm vụ quản lý, khai thác quỹ đất cũng được Sở TN&MT, các đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện. Theo thống kê của Sở TN&MT, trong năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã đấu giá 83,7 ha đất, tổng số tiền trúng đấu giá là 6.579 tỷ đồng; thẩm định phương án giá đất cụ thể 19 dự án, tổng giá trị quyền sử dụng đất 1.829 tỷ đồng; thẩm định Phương án bồi thường GPMB 13 dự án, tổng số tiền bồi thường GPMB 2,16 tỷ đồng. Số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 13.003 tỷ đồng… Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: công tác lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện còn chậm; công tác GPMB mặc dù được đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, bám sát cơ sở song vẫn gặp khó khăn, vướng mắc ở một số dự án…
Có thể thấy, đất đai là tài nguyên quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, tài sản quan trọng và là điều kiện sống của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, góp phần bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, đời sống người dân và phát triển kinh tế – xã hội bền vững, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các cấp, mỗi tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong quản lý, sử dụng đất cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, bảo đảm việc giao đất, cho thuê đất và quản lý, sử dụng đất được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Đất đai.
Bài và ảnh: Lê Phong