Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để ngăn chặn hoạt động mua bán hàng hóa trái phép trên mạng
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nhằm ngăn chặn hoạt động mua bán hàng hóa trái phép trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Nhằm chấn chỉnh các nội dung quảng cáo, thông tin không đúng sự thật; quản lý chặt việc mua bán hàng qua mạng, tránh việc lợi dụng buôn bán trên mạng xã hội, quảng cáo sai sự thật, bán hàng kém chất lượng, Bộ TT&TT đã triển khai thực hiện các giải pháp sau:
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để kiểm soát hoạt động bán hàng trên mạng, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok. Mục tiêu là ngăn chặn việc buôn bán hàng hóa kém chất lượng và quảng cáo sai sự thật qua các nền tảng này.
Tiến hành rà soát, xử lý các nội dung quảng cáo vi phạm, đặc biệt tập trung vào các quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, dịch vụ. Khi xác định được đối tượng vi phạm, Bộ sẽ xử phạt hành chính. Trường hợp không xác định được danh tính, Bộ yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ nội dung hoặc chặn tên miền, website vi phạm.
Yêu cầu nền tảng mạng xã hội gỡ bỏ nội dung vi phạm: Bộ đã yêu cầu các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok phải gỡ bỏ ngay các nội dung xấu độc và quảng cáo sai sự thật. Bộ cũng yêu cầu các nền tảng áp dụng công nghệ AI để phát hiện và xử lý vi phạm nhanh chóng.
Chỉ đạo Sở TT&TT các tỉnh/thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường rà quét, truy vết và xử lý các đối tượng vi phạm, đặc biệt là các nghệ sĩ và người nổi tiếng tham gia quảng cáo sai sự thật.
Bộ TT&TT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP)
Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng tầm ảnh hưởng, lòng tin, tình cảm yêu mến của người dân để tung tin giả hoặc quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sai công dụng, tính năng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt và quyền lợi của người dân.
Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, trong đó chú trọng bổ sung các quy định sau: Bổ sung các quy định mới về quảng cáo trên mạng; Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ TT&TT, đồng thời cũng phát huy và tăng cường được vai trò, trách nhiệm của các địa phương; Sửa đổi, bổ sung quy định về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo cho phù hợp với thực tế hiện này và phù hợp với xu thế phát triển. Đặc biệt, tham mưu bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các nền tảng xuyên biên giới để tạo căn cứ pháp lý cho biện pháp quản lý này.
Phối hợp với Bộ Y tế để thẩm định, rà quét, phát hiện và xử lý các vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc đông y gia truyền và các sản phẩm y tế nói chung.
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc để quản lý không gian mạng: Ai quản lý lĩnh vực gì ngoài đời thực thì cũng quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng.
Xây dựng danh sách Blacklist – White list để khuyến nghị các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng lớn ưu tiên quảng cáo trong những trang, kênh có nội dung sạch, tích cực (white list), không quảng cáo trong những trang, kênh vi phạm, qua đó từng bước điều hướng dòng tiền quảng cáo vào các nội dung sạch đã được cấp phép, kiểm soát.
Tuy nhiên, việc quản lý các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok gặp nhiều khó khăn do các nền tảng này không có trụ sở tại Việt Nam; Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam và phản ứng chậm trong việc gỡ bỏ các nội dung vi phạm; Các bộ, ngành chưa chủ động rà soát, phát hiện các nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật trên môi trường mạng trong lĩnh vực mà mình quản lý; Các hành vi quảng cáo sai sự thật ngày càng tinh vi; Việc phát hiện và xử lý các vi phạm yêu cầu nguồn nhân lực và công nghệ cao, trong khi đội ngũ quản lý còn mỏng và hệ thống kỹ thuật hiện nay chưa được đầu tư, nâng cấp phù hợp.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hoàn thiện Luật Quảng cáo, bổ sung các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo trên mạng, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới.
Cùng với đó, Bộ sẽ duy trì tỷ lệ gỡ bỏ nội dung vi phạm trên các nền tảng mạng xã hội ở mức trên 92%, đồng thời buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam.
Tiếp tục điều hướng dòng tiền quảng cáo vào các nền tảng chính thống thông qua danh sách White List, nhằm bảo đảm quảng cáo được thực hiện trên các nền tảng đã được cấp phép và kiểm soát.
Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ và nâng cao năng lực giám sát, đồng thời tổ chức các chương trình tập huấn chuyên đề cho đội ngũ cán bộ quản lý, đảm bảo xử lý kịp thời các vi phạm.
Bằng những nỗ lực phối hợp liên ngành, Bộ TT&TT đang từng bước xây dựng môi trường mạng lành mạnh, hạn chế các hành vi lợi dụng mạng xã hội để buôn bán, quảng cáo sai sự thật. Dù còn nhiều thách thức, với sự quyết tâm và đồng bộ từ các cơ quan chức năng, Việt Nam sẽ ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu không gian mạng an toàn, đáng tin cậy./.
Nguồn: https://mic.gov.vn/tang-cuong-quan-ly-buon-ban-va-quang-cao-sai-su-that-tren-khong-gian-mang-197241224213236396.htm