Báo cáo viên pháp luật dự hội nghị triển khai văn bản quy phạm pháp luật
Trên cơ sở quán triệt Thông tư 10/2016/TT-BTP của Bộ Tư pháp về hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hàng năm, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó, kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên. Đội ngũ này đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, được lựa chọn từ những cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền, đảm nhận vai trò nòng cốt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hiện, toàn tỉnh có 210 báo cáo viên cấp tỉnh, 178 báo cáo viên cấp huyện và 1.832 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, đều có thâm niên công tác và am hiểu pháp luật. Hàng năm, báo cáo viên tham dự tập huấn kỹ năng tuyên truyền; định kỳ được triển khai văn bản pháp luật mới. Đồng thời, triển khai, phổ biến lại văn bản pháp luật bằng hình thức đa dạng, phù hợp tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, chú trọng triển khai, phổ biến pháp luật ở địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Trưởng phòng Tư pháp huyện Thoại Sơn Nguyễn Văn Đoan cho biết, là huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm đặc biệt. Năm 2022, địa phương tổ chức 11 đợt triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật, với 542 đại biểu tham dự; mở 162 cuộc ở cấp xã, ban, ngành với 6.681 lượt người tham dự. Với vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, ngoài nghiệp vụ chuyên môn, ông Đoan đẩy mạnh thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tương tự, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Phú Trần Thanh Tâm cho biết, là báo cáo viên, ông thực hiện nghiêm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Huyện có 26 thành viên phổ biến, giáo dục pháp luật, nhiều tuyên truyền viên pháp luật. Năm 2022, ngoài tổ chức hàng trăm cuộc triển khai, tuyên truyền phổ biến pháp luật, huyện phối hợp Đoàn Luật sư triển khai, phổ biến pháp luật ở 3 xã (Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Bình Phú); tập huấn pháp luật cho 250 hòa giải viên và cộng tác viên.
Đặc biệt, phối hợp cơ quan truyền thanh huyện chuyển tải hàng ngàn tin, bài, phóng sự truyền thanh, câu chuyện pháp luật… Huyện hiện có 129 tủ sách pháp luật; các ban ngành, đơn vị đều có người phụ trách phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, ông Nguyễn Văn Đoan và Trần Thanh Tâm vừa được UBND tỉnh khen thưởng.
Tại hội nghị 10 năm triển khai thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp Cao Thanh Sơn cho biết, qua triển khai Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Thông tư 10/2016/TT-BTP, công tác này ngày càng đi vào nền nếp. Đội ngũ báo cáo viên giữ vai trò chủ lực trong tổ chức triển khai văn bản của Đảng, pháp luật của nhà nước, góp phần quan trọng từng bước đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống. Bằng trách nhiệm, báo cáo viên đã sử dụng nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm chuyển tải hiệu quả đến cán bộ, đảng viên và nhân dân chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Qua đó, góp phần định hướng hành động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân theo đúng pháp luật, nêu cao ý thức trách nhiệm công dân trên các lĩnh vực, đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên có nơi, có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn quan niệm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của ngành tư pháp, nên chưa gắn kết chặt chẽ hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Khắc phục điều này, Sở Tư pháp xây dựng trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật, giới thiệu văn bản pháp luật, có sự tham gia chia sẻ, liên kết tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của nhiều sở, ngành, địa phương. Báo cáo viên và người dân có thể khai thác thông tin trên mạng Internet phục vụ hoạt động tuyên truyền và nghiệp vụ. Để nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới, cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác này, đẩy mạnh giáo dục pháp luật trong cộng đồng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xác định xây dựng đội ngũ báo cáo viên chuyên nghiệp là một trong những giải pháp có ý nghĩa then chốt.
Cụ thể, nghiên cứu ban hành cơ chế về “tiêu chuẩn thời gian cho công việc” của cán bộ, công chức, viên chức trong điều kiện thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Hiện nay, nhiều cán bộ, công chức phải làm việc ngoài giờ hành chính, cuối tuần để hoàn thành công việc được giao. Nhưng cũng có cán bộ, công chức chưa phát huy hết trách nhiệm trong công việc chuyên môn. Báo cáo viên là cán bộ, công chức, viên chức không còn quỹ thời gian dành cho hoạt động kiêm nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trong đào tạo, bồi dưỡng báo cáo viên, ngoài cung cấp kiến thức pháp luật chung, cần trang bị cho họ thành chuyên gia trong từng lĩnh vực họ am hiểu, quản lý, để có đủ điều kiện phổ biến, hướng dẫn, tư vấn pháp luật cặn kẽ cho người dân. Tuy nhiên, một số báo cáo viên hạn chế về phương pháp truyền đạt, diễn đạt, bố cục nội dung pháp luật thiếu mạch lạc, khoa học. Khi phổ biến pháp luật trực tiếp, đa số báo cáo viên thường thuyết trình một chiều. Đặc biệt, cần nghiên cứu, ban hành quy định miễn nhiệm báo cáo viên khi không thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong 2 năm liên tiếp…