Sở Nông nghiệp và PTNT vừa có công văn đề nghị các địa phương trong tỉnh tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Trong đó tập trung chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý hoạt động của cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; hoạt động sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn. Đặc biệt là các cơ sở giết mổ heo, chế biến sản phẩm từ heo, không để xảy ra tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép heo, sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu thú y và an toàn thực phẩm. Trường hợp bắt được các lô hàng heo, sản phẩm từ heo vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy theo quy định. Song song, tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là heo, sản phẩm từ heo nhập lậu trái phép ra, vào tỉnh, huyện.
Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an giao thông tăng cường kiểm tra tại các chốt trên quốc lộ, tỉnh lộ để kịp thời dừng phương tiện (xe chở heo). Phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y và địa phương xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường (đặc biệt là heo bệnh)…
Trước đó, theo thông báo của Cục Thú y, tình hình dịch bệnh trên đàn heo từ đầu năm đến nay có nhiều diễn biến phức tạp, tại một số địa phương đã xuất hiện bệnh lở mồm long móng, bệnh dịch tả heo châu Phi… Đặc biệt, các tỉnh giáp ranh với Bình Thuận như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đã xuất hiện ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi. Riêng tại Bình Thuận, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong tháng 4/2023, toàn tỉnh đã kiểm soát giết mổ trên 5.300 con gia súc, gia cầm. Hiện trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm. Một số bệnh truyền nhiễm khác xảy ra ở mức độ lẻ tẻ, không lây lan thành dịch.
K. HẰNG