Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được tỉnh Quảng Ninh triển khai đồng bộ, sâu rộng, phù hợp với tình hình thực tiễn gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Qua đó tỉnh tiếp tục khẳng định thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, nhất là người đứng đầu, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn những vi phạm, khuyết điểm, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Tại các cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy; các cuộc họp giao ban các ban xây dựng đảng, các cơ quan khối nội chính, bí thư cấp ủy các địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng gắn với thực hiện hiệu quả, toàn diện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nhất là chỉ đạo tăng cường công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quyết liệt chỉ đạo tập trung tiếp tục khắc phục dứt điểm các nội dung kiến nghị tại các kết luận, thanh tra, kiểm toán, nhất là các kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Thông báo số 818-TB/UBKTTW ngày 12/6/2020, Thông báo số 183-TB/UBKTTW ngày 7/1/2022 và Kết luận của Đoàn Kiểm tra số 3 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo, quy định của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 1081-CV/TU ngày 25/10/2022 “Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng” làm cơ sở, căn cứ cho cấp ủy các cấp thực hiện. Trong năm 2022, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra đối với 5.679 đảng viên, tăng 144,6% so với năm 2021; trong đó có 1.349 cấp ủy viên, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, chiếm 23,8% số đảng viên được kiểm tra (21 tỉnh ủy viên, 106 huyện ủy viên và tương đương, 321 đảng ủy viên, 901 chi ủy viên).
Nội dung kiểm tra đảng viên được tập trung vào việc chấp hành quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện những điều đảng viên không được làm. Một số đảng bộ có số lượng đảng viên được kiểm tra nhiều như Hạ Long, Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.
Cùng với cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong năm 2022 đã kiểm tra đối với 153 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, bằng 90% so với năm 2021; trong đó có 84 cấp ủy viên, người đứng đầu, chiếm gần 55% số đảng viên được kiểm tra (3 tỉnh ủy viên, 18 huyện ủy viên và tương đương, 41 đảng ủy viên, 22 chi ủy viên).
Từ kết quả trên cho thấy, số lượng cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được kiểm tra, giám sát nhiều hơn so với đảng viên không giữ chức vụ. Qua đó tiếp tục khẳng định Quảng Ninh luôn thực hiện tốt trách nhiệm trong kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, nhất là người đứng đầu, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những vi phạm, khuyết điểm “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Trong số đảng viên được cấp ủy kiểm tra năm 2022 chỉ có 3 trường hợp phải thi hành kỷ luật (không có cấp ủy, người đứng đầu).
Số lượng đảng viên là cấp ủy, người đứng đầu được giám sát chặt chẽ với số lượng nhiều hơn. Trong năm 2022, cấp ủy các cấp đã thực hiện giám sát đối với 1.500 cấp ủy viên, tăng trên 350% so với năm 2021, chiếm 22,9% đảng viên được giám sát (22 tỉnh ủy viên, 168 huyện ủy viên và tương đương, 396 đảng ủy viên, 914 chi ủy viên). Qua giám sát, không có trường hợp nào phải chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Trước yêu cầu trong tình hình mới, cấp ủy các cấp trong tỉnh đang tích cực triển khai Quy định số 109-QĐ/TW ngày 3/1/2021 của Ban Bí thư “Về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị “Về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị với tinh thần chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, nhất là đối với những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh sai phạm, nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, vi phạm, không để khuyết điểm kéo dài trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ thành vi phạm lớn, vi phạm của một người trở thành vi phạm của cả tập thể. Xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, song phải trên tinh thần nhân văn, hướng tới mục đích làm cho tổ chức đảng, đảng viên tiến bộ hơn, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.