Trong những năm gần đây, hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh do kỹ thuật đơn giản, vốn đầu tư thấp, ít tốn nhân công mà hiệu quả kinh tế lại cao. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, nuôi chim yến tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, cuộc sống của người dân.
Nhà nuôi chim yến ở xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng
Tự phát
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có trên 700 nhà nuôi chim yến, với diện tích sàn ước khoảng 167.00m2, tổng đàn trên 400.000 con. Hầu hết, số hộ nuôi chim yến tập trung nhiều ở các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bàu Bàng, còn lại nằm rải rác ở khắp các huyện, thị, khu đô thị, khu dân cư tập trung.
Bà Vũ Thị Tuất, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, cho biết nghề nuôi chim yến chủ yếu chỉ tốn khoản đầu tư xây dựng nhà nuôi và thức ăn chất lượng, sau đó đàn chim sẽ tự dẫn dụ tới. Những hộ nuôi lâu năm, có kinh nghiệm và diện tích nhà yến rộng sẽ dễ dàng thu hoạch mỗi tháng từ vài kg yến thô trở lên. Với giá thị trường của yến thô hiện đang ở mức cao, từ 20 – 30 triệu đồng/kg, lợi nhuận thu về là không nhỏ. Tuy nhiên, việc khó nhất khi nuôi yến là phải chú ý vấn đề môi trường và âm thanh để không gây ảnh hưởng đến cư dân xung quanh.
Có thể nói đây thực sự là một ngành nghề mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, việc nuôi chim yến ồ ạt như thời gian qua đã ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và cuộc sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ về lây truyền dịch bệnh cúm gia cầm, đặc biệt là các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người. Các nhà nuôi yến thường kết hợp với nhà ở và công trình dân dụng khác trong khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là tiếng ồn phát ra từ loa dẫn dụ chim yến.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Nhiều khu vực trên địa bàn có tiểu khí hậu khá tốt, các dòng chảy, cánh đồng tự nhiên, thuận lợi cho côn trùng phát triển, tạo nguồn thức ăn chính cho chim yến. Tuy nhiên, đối với các hộ dân chưa có kinh nghiệm mà lại ồ ạt đầu tư theo phong trào dễ dẫn đến nguy cơ phá sản.
Quy hoạch, quản lý hiệu quả
Ngành chăn nuôi tỉnh trong những năm gần đây phát triển rất nhanh, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và một số trang trại chăn nuôi nằm trong nội ô của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư sẽ gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, việc nuôi chim yến đã và đang phát triển theo hướng tự phát, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, gây rủi ro dịch bệnh và tiếng ồn làm ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng nhưng chính quyền lại chưa quản lý chặt chẽ, những quy định về công tác quản lý còn hạn chế.
Xuất phát từ thực tiễn và căn cứ nội dung Luật Chăn nuôi, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến. Đồng thời, để tăng cường công tác quản lý, UBND tỉnh cũng đã ban hành 2 văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường quản lý hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.
Bà Huỳnh Thị Kim Châu, Trưởng phòng Quản lý chăn chuôi và thủy sản – Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết từ khi Nghị quyết số 11 của HĐND tỉnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, ngoài công tác triển khai thực hiện Nghị định số 13 của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi và Nghị định số 14 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, đến nay qua kiểm tra, rà soát thì chi cục chưa nhận được phản ánh của các tổ chức, cá nhân có cơ sở nuôi chim yến về các khó khăn trong việc chấp hành quy định của Nghị quyết số 11.
Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động một số nội dung trọng tâm. Chỉ phát triển mới các cơ sở gây nuôi chim yến ở vùng nuôi chim yến, theo quy định là vùng nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi (ngoại trừ khu vực quy hoạch đất nông nghiệp dọc sông Sài Gòn và sông Thị Tính thuộc 3 xã An Điền, Phú An, An Tây thuộc TX.Bến Cát) và nhà yến cách khu dân cư tối thiểu 300m. Nhà yến, trang thiết bị sử dụng cho hoạt động nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến.
Trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND có hiệu lực thi hành nhưng không đáp ứng quy định tại Điều 3 của nghị quyết này thì phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới và nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300m không được sử dụng loa phóng phát âm thanh. Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động nuôi chim yến, có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Có hồ sơ ghi chép và lưu trữ thông tin về hoạt động nuôi chim yến, sơ chế, bảo quản tổ yến bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm chim yến. Không săn bắt, không dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích khai thác tổ yến, nghiên cứu khoa học.
Hầu hết các nhà nuôi, dẫn dụ chim yến tự phát theo mô hình kết hợp nhà ở sinh hoạt ở dưới và nuôi chim yến ở tầng trên. Trên thực tế, nhiều nhà dân nuôi chim yến tìm cách lách các quy định bằng việc xin giấy phép xây dựng nhà ở, nhưng xây xong thì đưa vào nuôi chim yến. Tuy nhiên, việc tự ý xây dựng nhà nuôi chim yến trong khu dân cư hoặc cải tạo, cơi nới, chuyển đổi công năng nhà ở thành nhà nuôi chim yến tạo ra nhiều bất cập trong quản lý.
THOẠI PHƯƠNG