(LĐ online) – Ngày 15/6, Sở Y tế Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại huyện Di Linh với 64 người mắc, không có người tử vong. Trong đó, 1 vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc hái trên rừng xảy ra tại thôn Jang Pàr, xã Sơn Điền và 1 vụ ngộ độc do dịch vụ nấu ăn lưu động cung cấp tại tiệc cưới gia đình ở thôn Krọt Dờng, xã Bảo Thuận.
Thực hiện chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm về việc điều tra, xử lý và tăng cường biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tăng cường công tác đảm bảo ATTP, Sở Y tế yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý đối với tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.
Điều tra, thống kê và quản lý tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động) trên địa bàn. Triển khai tập huấn, hướng dẫn điều kiện đảm bảo ATTP cho các cơ sở theo phân cấp quản lý. Tổ chức thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP (hướng dẫn ký cam kết đảm bảo ATTP cho các cơ sở thuộc đối tượng không phải cấp giấy, đặc biệt là loại hình kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động) theo quy định.
Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP cho người tiêu dùng và tuyên truyền người dân chỉ hợp đồng với các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động có đầy đủ giấy tờ và đảm bảo các điều kiện về ATTP. Kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nói chung và dịch vụ nấu ăn lưu động nói riêng, chỉ để các cơ sở đảm bảo các điều kiện ATTP hoạt động; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền kiến thức về phòng, chống ngộ độc do nấm đến tận hộ gia đình, những người ở trên nương rẫy, ở sâu trong rừng (đặc biệt ưu tiên nhóm đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa). Kết hợp tuyên truyền cho học sinh ở các trường học để mọi người dân tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, nấm lạ không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Người dân khi không may ăn phải nấm độc sau đó xuất hiện các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, co giật… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Đối với các cơ sở y tế phải chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân và khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra. Trường hợp bệnh nhân có diễn tiến nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.
Tổ chức điều tra, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm các chỉ tiêu ATTP, xác định rõ nguyên nhân vụ việc và báo cáo kết quả về Sở Y tế để kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế và Cục An toàn thực phẩm theo quy định. Trường hợp xác định các tổ chức, cá nhân đơn vị để xảy ra NĐTP có vi phạm các quy định về đảm bảo ATTP cần xử lý nghiêm theo quy định.
Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và các tổ chức chính trị – xã hội để giám sát, dự phòng và kiểm soát nguy cơ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là đối với cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động và phòng chống ngộ độc nấm.