Tin mới y tế ngày 14/10: Tăng cường kiểm dịch, ngăn chặn ca bệnh Marburg từ cửa khẩu
Bộ Y tế đề nghị cơ quan liên quan có kế hoạch đáp ứng với các tình huống dịch bệnh Marburg tại từng cửa khẩu với sự tham gia, phối hợp của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế tại địa phương.
Tăng cường kiểm dịch, ngăn chặn ca bệnh Marburg từ cửa khẩu
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ cuối tháng 9/2024, Rwanda (châu Phi) đã ghi nhận trường hợp bệnh Marburg đầu tiên tại nước này.
Bộ Y tế đề nghị cơ quan liên quan có kế hoạch đáp ứng với các tình huống dịch bệnh Marburg tại từng cửa khẩu với sự tham gia, phối hợp của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế tại địa phương. |
Đến ngày 10/10, cơ quan chức năng đã ghi nhận tổng số 58 trường hợp mắc, trong đó có 13 trường hợp tử vong tại 7 trong số 30 quận của nước này, khoảng 70% trường hợp bệnh là nhân viên y tế.
Bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virut Marburg gây ra. Đây là loại virus lây truyền từ động vật sang người, gây xuất huyết nghiêm trọng ở nhiều bộ phận trong cơ thể. Bệnh có khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%).
Hiện nay, bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, hiện bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.
Theo Cục Y tế dự phòng, một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp y tế tại cửa khẩu nhằm kiểm soát dịch bệnh Marburg xâm nhập.
Để chủ động giám sát, phát hiện, kiểm soát dịch bệnh Marburg xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng có vản bản khẩn gửi Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur; Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, TP có hoạt động kiểm dịch y tế cập nhật thông tin về các quốc gia/vùng lãnh thổ đang ghi nhận trường hợp bệnh Marburg để tăng cường, chủ động giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch y tế từ các khu vực này nhập cảnh, quá cảnh, nhập khẩu qua các cửa khẩu tại nước ta.
Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với cán bộ, nhân viên và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế, lây lan ra cộng đồng.
Các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng phòng, khu vực cách ly tạm thời sử dụng cho các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh ở cửa khẩu (nếu cần); các trang thiết bị, hóa chất, thuốc đảm bảo có thể sử dụng ngay khi có dịch.
Đồng thời tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế về giám sát, kiểm soát bệnh Marburg; lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn.
Tiếp tục tổ chức truyền thông tại cửa khẩu cho hành khách, người dân về các biện pháp phòng chống, đặc biệt cần thông báo ngay cho cơ sở y tế khi họ phát hiện các triệu chứng và yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh Marburg trong vòng 21 ngày kể từ ngày họ nhập cảnh Việt Nam.
Rà soát, cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh Marburg tại từng cửa khẩu với sự tham gia, phối hợp của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế tại địa phương, trong đó lưu ý về nhân viên y tế đi cùng, phương tiện vận chuyển người nghi ngờ, mắc bệnh và cơ sở y tế có thể tiếp nhận chăm sóc, điều trị.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát và các biện pháp phòng chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định bệnh Marburg từ các địa phương.
Tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh Marburg, cũng như rà soát, củng cố đội phản ứng nhanh tại đơn vị, sẵn sàng đáp ứng khi ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc tại các địa phương.
Theo các chuyên gia y tế, virus Marburg có thể lây nhiễm từ động vật sang người do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của động vật nhiễm bệnh.
Ngoài ra, virus này cũng lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh hoặc các bề mặt nhiễm mầm bệnh.
Thời gian ủ bệnh dao động từ 2 đến 21 ngày, bắt đầu với sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ. Khoảng ngày thứ năm sau khi khởi bệnh, có thể xuất hiện ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng), buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy có thể xuất hiện.
Các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng và có thể bao gồm vàng da, viêm tụy, sụt cân nghiêm trọng, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan.
Chẩn đoán lâm sàng gặp khó khăn do bệnh này có triệu chứng tương tự như các bệnh truyền nhiễm khác (sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết do Ebola,…Bệnh có tỷ lệ tử vong cao (con số ghi nhận được trong các đợt bùng phát trước đây là 24% đến 88%).
Theo các chuyên gia, để phòng dịch, các bệnh viện cần có biện pháp phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam thông qua khai thác tiền sử dịch tễ và triệu chứng lâm sàng.
TP.HCM: Nguy cơ bệnh Marburg xâm nhập không cao, nhưng vẫn có thể xảy ra
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá nguy cơ lây lan Marburg là thấp ở cấp toàn cầu và đồng thời khuyến cáo không nên áp dụng bất kỳ hạn chế đi lại và thương mại nào với Rwanda trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra tại đây.
Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, nguy cơ bệnh Marburg xâm nhập vào TP.HCM là không cao, nhưng vẫn có thể xảy ra. Về đường hàng không, nguy cơ xâm nhập vào Thành phố khá thấp khi không có đường bay thẳng và khách nhập cảnh đã được sàng lọc trước khi xuất cảnh.
Khả năng thâm nhập qua đường hàng hải là rất thấp, Rwanda chỉ có 1 cảng hàng hải tại Kigali, theo dữ liệu về tàu nhập cảnh từ tháng 1/2023 đến 30/09/2024 thì không có tàu thuyền nào trực tiếp từ cảng hàng hải này.
Ngoài ra, thời gian vận chuyển từ Châu Phi về đến TP.HCM qua đường biển thường kéo dài từ 25-40 ngày, dài hơn thời gian ủ bệnh dài nhất của Marburg (là 21 ngày).
Tuy WHO đã đánh giá nguy cơ của đợt bùng phát này là thấp ở cấp độ toàn cầu, một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng đã tăng cường biện pháp y tế tại cửa khẩu nhằm kiểm soát dịch bệnh xâm nhập.
Ngày 11/10/2024 vừa qua, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã có văn bản chỉ đạo các triển khai các biện pháp kiểm soát bệnh tại cửa khẩu, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố thực hiện nghiêm túc, đặc biệt giám sát các hành khách từ các đường bay có liên quan đến Rwanda.
Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới luôn biến động, ngành Y tế TP.HCM đã chủ động triển khai các biện pháp như: tăng cường cập nhật thông tin về căn bệnh MVD cũng như các bệnh do truyền nhiễm mới nổi khác trên thế giới;
Tăng cường giám sát người nhập cảnh đến từ các vùng có dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sẵn sàng các biện pháp can thiệp nếu phát hiện ca bệnh xâm nhập; truyền thông nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ nhiễm vi-rút Marburg và các biện pháp bảo vệ mà cá nhân có thể thực hiện là một cách hiệu quả để giảm lây truyền ở người.
Người dân nên hạn chế việc đi du lịch không cần thiết ở các quốc gia đang có bùng phát dịch. Đối với người đã từng đi qua các quốc gia đang có dịch, nếu phát hiện bản thân có những triệu chứng nghi ngờ bệnh cần đi khám bệnh ngay tại các cơ sở y tế và cung cấp cho nhân viên y tế đầy đủ thông tin về lịch sử bản thân đi đến vùng có dịch bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng như để hạn chế lây nhiễm.
Ngành Y tế TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin sớm nhất khi có được thông tin chính thức từ WHO và Bộ Y tế Việt Nam.
Ngành Y tế Thành phố kêu gọi người dân nên tham khảo thông tin về các dịch bệnh đăng tải tại các nguồn chính thống, có trích dẫn nguồn tin (nếu đăng lại) để tránh các thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang, lo lắng.
Mổ lấy bướu máu khổng lồ cứu đôi chân bé gái
Khối u mạch máu tồn tại trong khoang bụng bé gái nhiều năm, chèn ép tủy sống khiến hai chân mất cảm giác, nguy cơ liệt vĩnh viễn nếu không mổ lấy khối u.
Bốn năm trước, Linh (15 tuổi, ngụ Nghệ An) được chẩn đoán dị dạng mạch máu vùng cạnh cột sống thắt lưng tạo thành bướu máu. Sau 4 lần điều trị chích xơ ở bệnh viện lớn, thể tích khối bướu có giảm, không còn nguy cơ vỡ gây chảy máu. Hai tháng nay, Linh thường xuyên căng tức vùng bụng dưới, hai chân tê bì không thể cử động, được đưa đi khám tại Bệnh viện Tâm Anh.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chân trái rất yếu, đau nhiều, gần như không thể đi lại. Cận lâm sàng ghi nhận hai bướu trong ống sống kích thước 10x5x3 cm và 4,5x1x1 cm, một bướu ở cơ thắt lưng chậu kích thước 10×12 cm nằm ở khoang sau phúc mạc, dưới thận, phía sau đại tràng, cạnh trái cột sống.
Một phần bướu ăn lan vào trong ống sống, gây chèn ép tủy sống làm chân trái bệnh nhân yếu dần. Ngoài ra, bướu còn đẩy cơ thắt lưng chậu ra trước, đẩy thận bên trái ra sau, niệu quản và đại tràng cũng bị di lệch. Nếu không nhanh chóng phẫu thuật lấy u, nguy cơ bệnh nhân liệt vĩnh viễn là rất lớn.
Các bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, ngoại thần kinh, ngoại lồng ngực – mạch máu, can thiệp mạch, Ngoại niệu tiến hành hội chẩn, tìm phương án hiệu quả nhất để giải quyết bướu máu.
Xác định không thể lấy trọn vẹn bướu trong một ca mổ, êkíp quyết định thực hiện hai ca đại phẫu: Đầu tiên giải phóng phần bướu máu chèn ép thần kinh trong ống sống để cải thiện chức năng đi lại cho người bệnh, sau đó lấy nốt phần bướu lớn ở khoang sau phúc mạc.
Để mở đường cho hai ca đại phẫu diễn ra thành công, bác sỹ tiến hành phương pháp nút mạch khối u. Hình ảnh CT giúp xác định chính xác các nhánh mạch máu nuôi khối bướu, tạo điều kiện cho bác sỹ can thiệp nút mạch làm tắc những nhánh này, ngăn không cho máu đến nuôi bướu và giúp thu nhỏ kích thước bướu, đồng thời giảm nguy cơ mất máu trong lúc mổ.
Một ngày sau, bác sĩ và êkíp phẫu thuật với sự trợ giúp của kính vi phẫu K.Zeiss Kinevo 900, hình ảnh 3D lớn, mở đường rạch ở sau lưng, bóc tách hết khối hai bướu ăn lan vào ống sống.
Hình ảnh khối tổn thương giống chùm nho có cấu trúc từng quả, mỗi quả là hình ảnh của mao mạch phồng lên bên trong toàn máu. Sau mổ, triệu chứng tê, yếu chân của bệnh nhân cải thiện đáng kể. Linh có thể đi lại khi có người trợ giúp. Kết quả giải phẫu bệnh xác định đây là u mạch máu thể hang.
Một tuần sau, TS.Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cùng êkíp tiến hành ca mổ thứ hai, mở đường rạch ở hông lưng bên trái, tách lấy phần bướu còn lại khỏi các mô xung quanh.
Suốt quá trình mổ, các bác sỹ đối mặt nguy cơ chảy máu ồ ạt (do bướu hình thành từ việc tăng sinh mạch máu quá mức) cũng như tổn thương cơ quan lân cận. Tình huống xấu nhất là phải cắt bỏ thận trái nếu không thể bóc tách phần bướu máu dính vào bộ phận này.
Để ngăn ngừa rủi ro, bác sỹ xem xét rất kỹ hình ảnh CT trước mổ nhằm xác định chuẩn xác vị trí, mức độ chèn ép của bướu. Bên cạnh đó, bướu tuy lớn nhưng không dính quá chặt, vẫn còn có ranh giới với các cơ quan khác. Nhờ đó, êkíp thuận lợi lấy được toàn bộ bướu máu sau ba giờ, giải phóng thận, đại tràng, niệu quản, động mạch chủ khỏi sự chèn ép suốt thời gian dài.
Sau mổ một ngày, Linh không còn đau tức bụng, ăn uống ngon miệng, được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để khôi phục hoàn toàn chức năng đi lại. Bệnh nhân xuất viện sau đó một tuần trong trạng thái khỏe mạnh, hồi phục vận động 4/5 hai chân.
U máu thể hang là một loại dị dạng mạch máu (các loại khác bao gồm dị dạng động tĩnh mạch, rò động tĩnh mạch màng cứng, bất thường tĩnh mạch tiến triển, giãn mao mạch). U máu thể hang là những cụm mạch máu bất thường chứa đầy máu.
U có thể to ra nhưng không phải ung thư và không lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Hầu hết u máu thể hang xuất hiện ở hai bán cầu đại não, đôi khi xuất hiện ở vùng hố sau hoặc thân não, hiếm khi hình thành ở vùng tủy sống hay khoang phúc mạc như bệnh nhân Linh.
Theo các bác sỹ, ai cũng có nguy cơ mắc bệnh lý u máu thể hang. Tuy nhiên, bệnh có yếu tố di truyền nên nếu có ba hoặc mẹ mắc bệnh này, trẻ sinh ra có 50% nguy cơ bị bệnh.
Người bệnh u máu thể hang cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sỹ, duy trì lối sống lành mạnh nhằm nâng cao sức khỏe tổng thể, hạn chế biến chứng. Bệnh nhân sau phẫu thuật có thể cần kết hợp liệu pháp vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu… để sớm hồi phục.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-1410-tang-cuong-kiem-dich-ngan-chan-ca-benh-marburg-tu-cua-khau-d227387.html