Đây là đề nghị của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành khi trao đổi với bà Jenny McAllister – Thượng nghị sỹ, Quốc vụ khanh phụ trách khí hậu và năng lượng của Úc, vào chiều ngày 17/4, tại Hà Nội.
Vui mừng đón tiếp bà Jenny McAllister đến thăm và làm việc với Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ sâu sắc với Úc. Trên chặng đường nửa thế kỷ qua, quan hệ giữa hai nước đã trải qua những giai đoạn phát triển và đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Trong lĩnh vực TN&MT, hai nước đã có những kết quả hợp tác nổi bật. Dựa trên nền tảng đó, hai nước tiếp tục cùng hướng tới tương lai với sự hợp tác ngày càng chặt chẽ, thiết thực, đáp ứng nhu cầu của mỗi nước cũng như thích ứng với bối cảnh tình hình mới của khu vực và thế giới, với xu hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon.
Về phía Việt Nam, Thứ trưởng chia sẻ, là một trong những quốc gia bị tác động nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn nỗ lực cố gắng làm hết sức mình để phát triển xanh, ứng phó biến đổi khí hiệu một cách bền vững và ổn định lâu dài. Ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” (mục tiêu net zero) hiện đang được Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam xác định là ưu tiên hàng đầu. Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển theo hướng tuần hoàn, các-bon thấp.
Để có thể thúc đẩy khối tư nhân đầu tư vào các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong khu vực tư nhân, Việt Nam sẽ thành lập thị trường các-bon, và thí điểm hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon từ năm 2025 và chính thức đi vào hoạt động vào năm 2028. Ngoài ra, để huy động nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam dự kiến sẽ có các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.
Đề cập đến Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP của Việt Nam, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, đây là cơ sở Việt Nam huy động hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm JETP Việt Nam thành hiện thực. Thứ trưởng hy vọng bà Quốc vụ khanh và Chính phủ Úc cũng sẽ quan tâm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, huy động nguồn đầu tư từ Úc vào thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ TN&MT đang trong quá trình rà soát, sửa đổi Nghị định số 06/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó tập trung chi tiết hóa các quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon. Bộ TN&MT đề xuất Úc sẽ chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách giảm phát thải khí nhà kính, kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng và vận hành thị trường các-bon nội địa. Đẩy mạnh các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận thông tin của doanh nghiệp, đặc biệt liên quan đến các công cụ định giá các-bon. Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn thường niên; xây dựng chương trình hợp tác đào tạo, chương trình học bổng nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ Việt Nam được đào tạo tại Úc về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển thị trường các-bon.
Nêu hiện trạng về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long cùng tác động của việc sử dụng nước ở lưu vực đang gây ra những tác động tiêu cực đến vùng đồng bằng này, Thứ trưởng mong muốn Úc hỗ trợ cho Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế, với chủ trương sử dụng nước công bằng, hiệu quả giữa các quốc gia. Mặt khác, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo để giảm sự khai thác, phụ thuộc vào thủy điện.
Trân trọng ghi nhận ý kiến của Thứ trưởng Lê Công Thành, bà Jenny McAllister khẳng định, Úc sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Bà Jenny McAllister tin tưởng, cơ hội hội hợp tác giữa hai bên ngày càng rộng mở, khi các doanh nghiệp của Úc đang rất quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực về năng lượng, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu./.