Sự kiện có sự tham dự của đại diện cơ quan ngoại giao các quốc gia thành viên EU tại Việt Nam, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; đại diện một số bộ, ngành của Việt Nam, các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam…
Ông Bruno Jaspaert – Tân Chủ tịch EuroCham phát biểu
Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của tình hình thời tiết vừa qua – điển hình là sự tàn phá khốc liệt của siêu bão Yagi và những trận lũ quét, sạt lở do tác động từ cơn bão mạnh nhất biển Đông suốt 3 thập kỷ – GEFE 2024 được tổ chức vào thời điểm vô cùng quan trọng. Tại buổi họp báo công bố GEFE 2024, ông Bruno Jaspaert – Tân Chủ tịch EuroCham – chia sẻ, cơn bão đã gây thiệt trên diện rộng ở 26 tỉnh thành, không chỉ về mặt vật chất mà cả tinh thần với con số thương vong cao, nhắc nhở chúng ta rằng biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa xa vời mà là một cuộc khủng hoảng cấp bách đòi hỏi hành động chung tay tức thời. Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE 2024) sẽ là một nền tảng quan trọng để thúc đẩy đối thoại giữa lãnh đạo Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế nhằm đối phó với những thực tế cấp bách của biến đổi khí hậu. Đồng thời, GEFE cũng là điểm hẹn để các công ty châu Âu giới thiệu các giải pháp tiên tiến nhất của họ, giúp Việt Nam phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Sau những cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt với các mục tiêu như: giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – cho biết, ngày 11/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí chủ trương, cho phép Bộ Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đồng chủ trì, tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh năm 2024 nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy đầu tư, hợp tác thương mại giữa Châu Âu và Việt Nam, đồng thời đây cũng là hoạt động thiết thực trong tiến trình thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2030 đã được đề ra.
Ngay từ khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp chặt chẽ với EuroCham và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, xin ý kiến các đơn vị thuộc Bộ nhằm triển khai có hiệu quả các công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh năm 2024.
Bộ Công Thương (đầu mối là Cục Xúc tiến thương mại) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đồng chủ trì, tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh năm 2024 (GEFE 2024) tại ThiskyHall, Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 21 đến 23 tháng 10 năm 2024. Sự kiện này nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững Việt Nam – EU thông qua các phiên đối thoại toàn diện, phối hợp đầu tư, triển lãm kinh tế, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ.
Mục tiêu chính của GEFE 2024 là hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết COP26 và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội được nêu trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030. Sự kiện còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đổi mới, doanh nghiệp, sinh viên và các nhà hoạch định chính sách từ Châu Âu, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tại các phiên thảo luận, triển lãm và các phiên đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp với Chính phủ trong chuỗi sự kiện kéo dài 3 ngày.
Phiên toàn thể cấp cao sẽ diễn ra vào ngày đầu tiên của GEFE 2024, với sự tham gia của các đại diện cấp cao của Chính phủ Việt Nam và châu Âu cũng như các doanh nghiệp nhằm thảo luận về các chính sách phát triển bền vững, kế hoạch quốc gia về năng lượng, quản lý rủi ro khí hậu. Bên cạnh đó, đại diện Liên hợp quốc, các Quốc gia Thành viên EU, các quan chức ngoại giao và cơ quan xúc tiến thương mại, các tổ chức quốc tế đã xác nhận sẽ tham dự sự kiện.
Trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh năm 2024, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Khu gian hàng Việt Nam với sự tham gia của 24 doanh nghiệp đa ngành của Việt Nam nhằm giới thiệu, trưng bày các công nghệ tiên tiến, sản phẩm chất lượng cao, sáng kiến và mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giải pháp sản xuất bền vững của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận trực tiếp với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu châu Âu trong các lĩnh vực, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị giao thương (B2B) giữa doanh nghiệp Việt Nam và Châu Âu. Đây được coi là cơ hội rất tốt để tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu và Việt Nam, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế Việt Nam xanh, bền vững thông qua việc chia sẻ sáng kiến, ý tưởng và chuyển giao công nghệ.
Ông Vũ Bá Phú cho biết, đến thời điểm hiện tại, Cục Xúc tiến thương mại đã nhận được rất nhiều hồ sơ doanh nghiệp đăng ký tham dự các sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh năm 2024. Vì vậy, có thể nói rằng các công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh năm 2024 đã và đang được Bộ Công Thương và EuroCham triển khai rất tích cực và đạt được mục tiêu đề ra. “Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh năm 2024 sẽ trở thành sự kiện có ý nghĩa và là một phần quan trọng trong việc thực hiện các sáng kiến phát triển bền vững phù hợp với thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và EU, góp phần thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng Xanh của Việt Nam“- ông Vũ Bá Phú tin tưởng.
Việt Nam và Liên minh Châu Âu thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990. Sau hơn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam và EU đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu; vững chắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, cũng như giáo dục, khoa học công nghệ….
Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, phù hợp với các động lực của EU và là một trong những lựa chọn hàng đầu của EU trong phát triển quan hệ với ASEAN và Đông Á. Quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU liên tục phát triển tốt đẹp trong hơn 30 năm qua: Kim ngạch thương mại song phương đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng, thương mại hàng hóa tăng hơn 4 lần, thương mại dịch vụ tăng hơn 2 lần; trong 6 tháng đầu năm 2024, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (chỉ sau Hoa Kỳ), là nhà đầu tư hàng đầu, có mặt trong mọi lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam. Về hợp tác phát triển, các nước EU đã dành cho Việt Nam nhiều khoản viện trợ ODA, trong đó phần lớn là viện trợ không hoàn lại để thực hiện nhiều dự án quan trọng về y tế, công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, cung cấp nước sạch, hỗ trợ cải cách hành chính, xóa đói giảm nghèo, văn hóa, giáo dục – đào tạo…
Quan hệ thương mại được coi là tiền đề quan trọng thúc đẩy hợp tác chính trị và các hoạt động hợp tác giữa EU và Việt Nam trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Trước khi Hiệp định EVFTA được ký kết, quan hệ Việt Nam – EU vẫn đang trên đà phát triển, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU có xu hướng ngày càng tăng. Tính đến tháng 8 năm 2024, EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN.
Trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam – EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng mạnh. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 24,7 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, Việt Nam nhập khẩu từ EU trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,7 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Sau 4 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực (01/8/2020 – 01/8/2024), tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng lên và Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU. EVFTA giúp nhiều nhà nhập khẩu EU biết tới các nhà cung ứng Việt Nam hơn. Những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo EVFTA cũng góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU; đồng thời được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao của EU.
Về hợp tác đầu tư với cam kết mạnh mẽ bảo đảm tính minh bạch, thông thoáng, thuận lợi trong môi trường kinh doanh đầu tư, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai Bên. Đồng thời, Hiệp định EVFTA đã thúc đẩy, tạo động lực để các nhà đầu tư EU tiếp cận và mở rộng đầu tư ở Việt Nam, góp phần đưa EU lên vị trí thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 2,450 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỷ euro. Trong bối cảnh xu thế FDI toàn cầu suy giảm, EU vẫn tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam và đầu tư hơn 800 triệu euro vào Việt Nam trong năm 2023. Hà Lan, Pháp, Luxembough, Đức, Đan Mạch, Bỉ lần lượt là 6 nhà đầu tư hàng đầu của EU vào Việt Nam.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/xuc-tien-thuong-mai/dien-dan-va-trien-lam-kinh-te-xanh-2024-tang-cuong-hop-tac-giua-doanh-nghiep-chau-au-va-viet-nam-thuc-day-kinh-te-xanh-b.html