Đoàn công tác của do Nhà báo Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách khu vực phía Nam làm trưởng đoàn. Tham dự đoàn còn có Nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân – Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ và các cán bộ thuộc văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam tại TP.HCM.
Trao đổi với đoàn công tác, lãnh đạo các trường đại học bày tỏ sự quan tâm đến các chương trình hợp tác từ phía Hội Nhà báo Việt Nam. Sự hợp tác này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các sinh viên đang theo học tại các khoa quan hệ công chúng, truyền thông báo chí. Từ đó hoàn thiện được các kỹ năng, bổ sung cho hành trang đến với nghề.
Đánh giá cao về sự hợp tác này, Nhà báo Dương Trọng Dật – Viện trưởng Viện đào tạo Văn hoá, Nghệ thuật và Truyền thông của trường Đại học Văn Lang cũng cho biết: “Mỗi năm nhà trường tuyển sinh khoảng 3.000 sinh viên cho khoa quan hệ công chúng và truyền thông. Ngoài việc được đào tạo chuyên môn, các sinh viên còn được tham gia các sự kiện, các hoạt động văn hoá nghệ thuật, giao lưu quốc tế. Việc phối hợp với Hội nhà báo trong việc giúp các em nắm bắt các hoạt động thực tiễn làm phong phú thêm các kiến thức để giúp các em tiếp cận với công việc thuận lợi khi ra trường”.
Còn theo ông Đỗ Quốc Anh – Phó Chủ tich Hội đồng trường Đại học Kinh tế Tài Chính thì cho rằng, việc phối hợp với Hội nhà báo Việt Nam để trang bị thêm các kỹ năng thực hành căn bản, kinh nghiệm hoạt động truyền thông, sự kiện và các hoạt động xã hội với các sinh viên là một việc rất thuận lợi.
Lãnh đạo trường Đại học Kinh tế Tài chính cũng cho biết thêm, hiện nay nhà trường đang đào tạo khoa quan hệ công chúng và truyền thông theo hình thức song ngành, song ngữ. Trường cũng đang đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo, dịch vụ sinh viên, việc làm cho sinh viên , gắn kết với các hoạt động doanh nghiêp.
Trước những chia sẻ nói trên của đại diện nhà trường, Nhà báo Trần Trọng Dũng cho biết: “Hội nhà báo Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác giữa các đơn vị, xoay quanh 3 vấn đề đó là nhu cầu đào tạo bồi dưỡng truyền thông, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí và phối hợp tổ chức lớp tập huấn kỹ năng báo chí. Bên cạnh chương trình chính khoá, sinh viên cũng rất cần kỹ năng truyền thông. Việc hợp tác sẽ tập trung vào việc truyền đạt kỹ năng phù hợp với các khoa của nhà trường, chú trọng kỹ năng làm báo, đạo dức người làm báo. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông thông qua các sự kiên, toạ đàm, hội thảo… Hỗ trợ về mặt truyền thông mang tính chất cộng đồng cho nhà trường”.
Chia sẻ về những chương trình đạo tạo kĩ năng của Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân – Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho biết, chương trình nâng cao nghiệp vụ cho các phóng viên, biên tập viên hầu hết đều do các nhà báo có kinh nghiệm, đồng thời tổ chức biên soạn một số sách nghiệp vụ, phối hợp với các sở ban ngành tại các địa phương, đào tạo các vấn đề chuyên môn.
Ngoài ra, từ các hoạt động thực tiễn của Hội Nhà báo Việt Nam, của các phóng viên, nhà báo có kinh nghiệm sẽ giúp cho các sinh viên năm cuối sẽ có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để sau này ra trường tiếp cận với công việc thuận lợi hơn. Đây cũng là mong muốn của các trường trong mối quan hệ hợp tác, phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam.