(BLC) – Bệnh Than (Nhiệt thán) ở người là bệnh lây truyền từ động vật do trực khuẩn than Bacillus anthrasis (B.anthrasis) gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở động vật ăn cỏ và lây truyền sang người có thể thành dịch với tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh biểu hiện gồm 3 thể chính tùy thuộc vào đường lây truyền: thể da là chủ yếu chiếm (95%), thể phổi và thể tiêu hóa (thể dạ dày – ruột và thể hầu họng), ngoài ra có thể màng não.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã ghi nhận 13 trường hợp nghi mắc bệnh Than (Phát hiện ngày 27/5/2023). Kết quả điều tra cho thấy tất cả các trường hợp mắc bệnh nêu trên đều tham gia giết mổ, chế biến và ăn thịt trâu, bò chết nghi do mắc bệnh Than tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh Than. Ngày 07/6/2023 Sở Y tế tỉnh Lai Châu ban hành Công văn số 1023/SYT-NVY về Tăng cường giám sát phòng, chống bệnh Than trên người, yêu cầu các các đơn vị tực thuộc căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện các nội dung sau:
Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT, ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y cùng cấp, chính quyền địa phương trong việc chia sẻ thông tin, giám sát tình hình bệnh Nhiệt thán ở động vật, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch, hạn chế đến mức thấp nhất sự lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người. Quản lý, theo dõi, báo cáo kịp thời các trường hợp động vật có dấu hiệu nghi mắc, mắc bệnh Than, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm phát hiện sớm dịch bệnh than trên động vật, phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan trên địa bàn triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh Than trên người, trên động vật.
Tăng cường truyền thông cho người dân về các biểu hiện của bệnh Than, tính chất nguy hiểm của bệnh, các biện pháp phòng chống, khi có biểu hiện của bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để khám bệnh và điều trị.
Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, không giết mổ, không ăn, không sử dụng, không buôn bán, vận chuyển sản phẩm từ gia súc ốm, chết. Khi phát hiện gia súc mắc bệnh, chết nghi do mắc bệnh Than phải báo cho các cơ quan chuyên môn để tổ chức vệ sinh, khử trùng, thu gom chất độn chuồng, chất thải chăn nuôi, xác gia súc để xử lý theo đúng quy định.
Thực hiện tuyên truyền tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo trí, truyền hình…
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện các trường hợp nghi mắc, mắc bệnh Than đến khám, điều trị cần báo ngay cho đơn vị y tế dự phòng cùng cấp để phối hợp điều tra, lấy mẫu, có biện pháp xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, điều trị bệnh nhân trên địa bàn.
Kiện toàn các đội đáp ứng nhanh sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết và tổ chức thường trực phòng, chống dịch 24/24h trong thời gian có dịch.