Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, diễn ra vào chiều qua (27/12), ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trước ảnh hưởng của các biến động về kinh tế – chính trị trên thế giới cũng như các bước điều chỉnh chính sách trong nước, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2023 đã trải qua nhiều biến động. Xu hướng giảm điểm bắt đầu từ tháng 4, có những nhịp phục hồi vào tháng 5, tháng 8 và cuối tháng 11 đến nay.
Tính đến ngày 25/12, chỉ số VNIndex đạt 1117,66 điểm, tăng 2,2% so với cuối tháng trước và tăng 11% so với cuối năm 2022. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 229,45 điểm, tăng 1,5% so với cuối tháng trước và tăng 11,8% so với cuối năm 2022.
Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 25/12/2023 đạt 5.863.000 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2022, tương đương 61,6% GDP ước tính năm 2022.
Trái phiếu Chính phủ tính đến hết ngày 25/12 đã phát hành 296.678 tỷ đồng, gấp hơn 1,38 lần so với cả năm 2022, bằng 74,2% kế hoạch của năm (400.000 tỷ đồng), bằng 78,1% kế hoạch điều chỉnh của năm (380.000 tỷ đồng).
Đối với thị trường bảo hiểm, tính đến 30/11, thị trường bảo hiểm có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Tính trong năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 908.380 tỷ đồng (tăng 11,71% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 126.809 tỷ đồng, lĩnh vực nhân thọ ước đạt 781.571 tỷ đồng.
Để phát huy những kết quả trên, Bộ Tài chính xác định việc phát triển thị trường vốn cần tiếp tục triển khai đồng bộ. Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong rà soát, sửa đổi tổng thể các quy định pháp luật chứng khoán và các pháp luật khác liên quan.
Đối với thị trường vốn, cần phối hợp với các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK theo lộ trình đã đặt ra nhằm hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư và thu hút sự tham gia của đầu tư nước ngoài.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; tăng cường phát triển các quỹ đầu tư chứng khoán nhằm cân đối giữa nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân. Tập trung giám sát, kiểm tra các hoạt động cho vay ký quỹ, các dịch vụ tài chính, bảo đảm chỉ tiêu an toàn tài chính và các quy định pháp luật tại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Cùng với đó, Bộ sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ thông tin, chống các tin đồn thất thiệt trên TTCK. Đặc biệt là các tin đồn, tin xấu nhằm trục lợi, gây bất ổn tâm lý trên thị trường. Xử lý nghiêm một số vụ việc điển hình nhằm tạo tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường.
Tăng cường giám sát, kiểm tra đối với hoạt động huy động, sử dụng vốn của các tổ chức phát hành. Tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát và tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.