Văn hóa đa dạng, bao trùm và bình đẳng rất ưu việt, những doanh nghiệp có yếu tố này sẽ tạo ra cho mình một lợi thế cạnh tranh vô cùng chắc chắn, vượt trội, đồng thời cho thấy sức chống chịu, phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng.
Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Hồng Châu) |
Chiều 14/6, tại Hà Nội, Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) đã kết hợp cùng Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp “VBCWE 2023: Văn hóa đa dạng, bình đẳng và bao trùm – thành tố quan trọng trong phát triển bền vững ESG”.
Diễn đàn là dịp VBCWE tổng kết kết quả 5 năm thực hiện GD&I tại các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Tại đây, các nhà lãnh đạo và các nhà quản lý cùng thảo luận chia sẻ mục tiêu và thực tiễn thành công trong phát triển bền vững ESG của doanh nghiệp với giá trị của văn hóa đa dạng, bình đẳng và bao trùm (DE&I) trong các doanh nghiệp.
DE&I là một xu thế tất yếu và là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp theo đuổi trên hành trình phát triển bền vững. DE&I chính là thành tố quan trọng gắn với yếu tố S – Social trong ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), mà ở đó, doanh nghiệp xây dựng một môi trường bình đẳng cho người lao động, một môi trường khiến họ tự hào, tự tin và được là chính mình nhất, không phân biệt tính giới, hoàn cảnh gia đình, không phân biệt xuất phát điểm của mỗi người.
Trao quyền kinh tế cho phụ nữ không chỉ là một khía cạnh cơ bản của việc thúc đẩy bình đẳng giới, mà còn là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và xây dựng xã hội công bằng.
Trong khu vực ASEAN đã có rất nhiều chương trình hướng đến việc đầu tư cho phụ nữ, sử dụng các phương pháp sáng tạo để cải thiện sự tham gia kinh tế của phụ nữ với tư cách là nhân viên và doanh nhân, đồng thời tác động đến môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ như: Chương trình bình đẳng giới tại nơi làm việc (WGE); Đầu tư tác động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ là chủ; và tác động đến các chuẩn mực giới. Một trong những chương trình triển khai tại Việt Nam có dấu ấn của VBCWE là chương trình WGE.
Trong 5 năm qua tại Việt Nam, với sự ủng hộ của Chính phủ Australia thông qua dự án Investing in Women, Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) đã tạo được những dấu ấn tiên phong trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân, góp phần kiến tạo giá trị bình đẳng và công bằng cho người lao động.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VBCWE phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Hồng Châu) |
Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa yếu tố đa dạng và bao trùm (D&I), gia tăng cơ hội việc làm & chất lượng công việc cho phụ nữ, mở rộng và hướng tới khối nữ lao động trong các khu công nghiệp, nữ khuyết tật, các doanh nghiệp nữ làm chủ, các cơ hội việc làm gắn với những chính sách chăm sóc và hỗ trợ trẻ em, đào tạo và nâng cao kỹ năng mềm, công nghệ để người lao động có thể tăng tốc và bắt nhịp với xu thế việc làm trong bối cảnh công nghệ trí tuệ đang phát triển là mục tiêu của VBCWE trong giai đoạn phát triển 5 năm tiếp theo.
Đây cũng là một trong những mục tiêu Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đang triển khai.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VBCWE nhấn mạnh vai trò của VBCWE trong giai đoạn 5 năm: “Sứ mệnh của VBCWE là thúc đẩy phát triển bền vững của doanh nghiệp & cộng đồng doanh nghiệp qua việc kết nối và hội tụ những doanh nghiệp tiên phong trong việc kiến tạo và tôn vinh những giá trị của văn hóa đa dạng và bao trùm trong văn hóa doanh nghiệp. Đồng hành với các doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc thông qua việc phát triển văn hóa đa dạng và bao trùm gắn với bình đẳng giới.
Lan tỏa các giá trị của văn hóa đa dạng bao trùm và bình đẳng giới tại nơi làm việc đến cộng đồng doanh nghiệp, truyền cảm hứng và tác động nhằm thay đổi nhận thức và hành động của doanh nghiệp, mang lại các giá trị gắn với phát triển bền vững nguồn lực con người trên hành trình phát triển bền vững cho các doanh nghiệp tại Việt Nam”.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD nhận định, văn hóa đa dạng, bao trùm, và bình đẳng rất ưu việt và những doanh nghiệp có yếu tố này sẽ tạo ra cho mình một lợi thế cạnh tranh vô cùng chắc chắn và vượt trội, đồng thời cho thấy sức chống chịu, phục hồi sau khủng hoảng mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp khác.
Phó Chủ tịch VCCI nói: “Liên tục trong 4 năm qua, VBCSD-VCCI đã phối hợp chặt chẽ với VBCWE trong quá trình tổ chức Chương trình đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI). Chương trình CSI năm 2023 là năm thứ 3 chúng tôi tiếp tục đưa hạng mục giải chuyên đề biểu dương ‘Doanh nghiệp tiên phong xây dựng, thực hiện văn hóa đa dạng và bao trùm’ vào trong cơ cấu giải của Chương trình.
Sau Lễ phát động CSI 2023 vào ngày 31/5 vừa qua, VBCSD đang phối hợp với VBCWE và các đối tác tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn về quản trị doanh nghiệp bền vững, gắn kết với xây dựng văn hóa đa dạng, bình đẳng và bao trùm.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD nhận định, văn hóa đa dạng, bao trùm, và bình đẳng rất ưu việt và những doanh nghiệp có yếu tố này sẽ tạo ra cho mình một lợi thế cạnh tranh vô cùng chắc chắn. (Ảnh: Hồng Châu) |
Từ đó, chúng tôi mong muốn thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp được xu thế phát triển bền vững gắn với văn hóa đa dạng, bình đẳng, bao trùm này, qua đó xây dựng một nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững doanh nghiệp”.
Tại Diễn đàn, ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc công nghệ (CTO) Microsoft Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn và cập nhật về xu thế phát triển nguồn lực con người gắn với yếu tố D,E&I cũng như cơ hội và chất lượng việc làm cho phụ nữ trong thời đại của công nghê trí tuệ AI.
Những giá trị của D,E&I mang lại cho doanh nghiệp cũng được ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) chia sẻ dưới góc nhìn của một doanh nghiệp niêm yết, và bà Trần Thùy Trang, Giám đốc Nhân sự và đào tạo, Deloitte Việt Nam chia sẻ trên phương diện của một công ty toàn cầu.
3 doanh nghiệp được vinh danh vì những nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc. (Ảnh: Hồng Châu) |
Trong khuôn khổ của Diễn đàn, 3 doanh nghiệp tiếp tục được vinh danh vì những nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và nhận chứng chỉ toàn cầu EDGE (Lợi ích kinh tế từ bình đẳng giới) gồm Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công ty Cp Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang, và Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh, qua đó, mở rộng các thành viên trong mạng lưới các doanh nghiệp thành viên có tầm ảnh hưởng và quy mô nhân sự lớn như Deloitte Việt Nam, Tập đoàn EVN, Traphaco, Alphanam.
Diễn đàn doanh nghiệp VBCWE 2023 “Văn hóa đa dạng, bình đẳng và bao trùm – thành tố quan trọng trong phát triển bền vững ESG” là dịp để VBCWE công bố định hướng giai đoạn 2 dự án Investing in Women và hoạt động sẽ triển khai với mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy nâng cao chất lượng việc làm cho phụ nữ (tập trung vào thúc đẩy các khu công nghiệp xanh với chương trình Child Care – chăm sóc trẻ em trong các khu công nghiêp, tác động chính sách và cơ hội việc làm, phụ nữ khuyết tật gắn với công nghệ & trí tuệ nhân tạo AI).
Được thành lập từ tháng 1/2018 trong khuôn khổ dự án Investing in Women (Đầu tư cho sự phát triển phụ nữ) của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) là tổ chức tiên phong và chuyên nghiệp trong việc kết nối, hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng văn hóa đa dạng, bao trùm gắn với bình đẳng giới tại nơi làm việc – nền tảng quan trọng của sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. |