Có đoàn kết, thống nhất trong Đảng và toàn dân tộc mà cách mạng Việt Nam đã vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Trong mỗi giai đoạn của cách mạng, Người đều nhắc nhở phải chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng xứng đáng với yêu cầu nhiệm vụ mới. Người coi việc giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Thực tiễn cho thấy, những thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam bắt nguồn từ sự đoàn kết trong Đảng.
Đoàn kết của Đảng chính là tấm gương cho cả hệ thống chính trị và là nhân tố quyết định bảo đảm đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, từ thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy. Một trong số đó là truyền thống đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mỗi thời kỳ, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Tuy nhiên, thực tế còn không ít cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với nhiều biểu hiện khác nhau. Một số đảng viên là cán bộ có chức, có quyền, một số đảng viên là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt chạy theo chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng; một số tổ chức đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, tình trạng “lợi ích nhóm”,… gây những hệ lụy cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Vì vậy, việc quán triệt, vận dụng nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng là vấn đề đặt ra cho các đảng bộ, chi bộ cơ sở hiện nay.
Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là yêu cầu khách quan, là nguyên tắc sống còn và là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Thiết nghĩ, để Đảng tiếp tục làm tròn sứ mệnh tiên phong của mình, cùng với chú trọng tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, mỗi cán bộ, đảng viên, từng tổ chức đảng, chi bộ, đảng bộ phải thường xuyên, liên tục, hằng ngày “tự soi, tự sửa”. Đảng viên ở cương vị lãnh đạo, giữ chức vụ càng quan trọng càng phải gương mẫu và thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình một cách trung thực, phải biết lắng nghe sự phê bình thẳng thắn của cấp dưới, của đảng viên, của quần chúng nhân dân để khắc phục, sửa chữa những sai lầm, thiếu sót.
Thực hiện nghiêm minh và tự giác trong tự phê bình và phê bình, bảo đảm công khai, dân chủ gắn với biểu dương, khen thưởng; tránh tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, sợ mất thành tích của tập thể, của lãnh đạo hoặc đoàn kết một chiều, bằng mặt nhưng không bằng lòng mà che giấu khuyết điểm hoặc bao che, chạy tội cho đồng chí mình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi.
Thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng để sao cho mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, làm cho chi bộ, đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh. Từng chi bộ, đảng bộ giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể lãnh đạo. Bên cạnh đó, cấp ủy cấp trên, ủy ban kiểm tra cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của Đảng, chỉ đạo kiểm điểm làm rõ đúng, sai, xử lý nghiêm đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cán bộ lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, kéo bè, kéo cánh gây mất đoàn kết nội bộ.
Nguồn: https://nhandan.vn/tang-cuong-doan-ket-thong-nhat-trong-dang-post808830.html