Tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực điều trị
Ðể nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cùng với đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành y tế tỉnh xem đầu tư cho con người là yếu tố quan trọng hàng đầu. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng hoạt động đào tạo, cập nhật và nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên y tế được chú trọng thường xuyên.
Theo báo cáo của Sở Y tế, thời gian qua, chất lượng nguồn nhân lực y tế được nâng lên rõ rệt nhờ thực hiện tốt chính sách ưu đãi, thu hút bác sĩ, dược sĩ đại học của tỉnh. Công tác tuyển dụng, quản lý nhân lực y tế được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý cho đội ngũ công chức, viên chức y tế được tăng cường.
Đa dạng hình thức đào tạo
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: Việc nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu đã được áp dụng trong chẩn đoán, điều trị bệnh với sự hỗ trợ trực tiếp của các bệnh viện tuyến trên, kết hợp với khám chữa bệnh từ xa là một kênh, một môi trường tốt để các bác sĩ của tỉnh học tập. Nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc người bệnh liên tục được nâng cao.
Bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Hà Nội (người đứng bên ngoài) hướng dẫn bác sĩ Khoa Ung bướu (BVĐK tỉnh) thực hiện trên 1 ca bệnh thực tế. Ảnh: Đ. THẢO |
Cùng với đó, thông qua các dự án tài trợ, đội ngũ nhân lực cũng được hỗ trợ chuyên môn. Có thể nói, ngành y tế tỉnh đã thực hiện tốt các dự án hỗ trợ quốc tế khi tận dụng được cơ hội tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến, cập nhật kiến thức, kỹ năng hiện đại.
Dự án “Phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường trong cộng đồng tại tỉnh Bình Định” do Tổ chức Fred Hollows Foundation (FHF) tài trợ là một ví dụ. Trong khuôn khổ Dự án, ngoài giúp người bệnh được sàng lọc, tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế, cơ sở y tế của các địa phương thụ hưởng Dự án cũng được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để có thể đáp ứng công tác sàng lọc, điều trị tại địa phương.
Tương tự, với sự tài trợ của các dự án thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ngành phục hồi chức năng tỉnh có cơ hội phát triển tốt. Ông Võ Ngọc Phải, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, cho biết: Bên cạnh tài trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dự án còn đào tạo nhân lực, xây dựng quy trình làm việc chuyên môn khoa học, chặt chẽ.
Phát triển y tế cơ sở là vấn đề rất được quan tâm, nhất là với các huyện miền núi, trong đó Vĩnh Thạnh là một điển hình. Để nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ trẻ, ngoài việc được bác sĩ CKI hướng dẫn ngay tại Trung tâm liên tục trong 6 tháng, các bác sĩ trẻ của TTYT huyện Vĩnh Thạnh còn được học tập, định hướng chuyên khoa tại BVĐK tỉnh, sau đó được sắp xếp để tiếp tục đi học chuyên khoa. Với sự quan tâm này, sau nhiều năm được hưởng lợi, TTYT huyện Vĩnh Thạnh đã có được đội ngũ bác sĩ có đầy đủ kiến thức và kỹ năng, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong huyện.
Còn đối với nhân lực tại trạm y tế, ông Lê Quang Hùng cho biết: Năm 2023, ngành y tế sẽ tập huấn theo từng chuyên môn cho tất cả cán bộ y tế ở trạm y tế để cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực. Đồng thời, bác sĩ của tuyến huyện chuyển về xã làm và ngược lại để trình độ nhân lực được đồng bộ.
Chủ động tiếp cận với cái mới, cái tiên tiến
Theo thống kê của Sở Y tế, hiện toàn ngành y tế có 6.046 lao động, trong đó, công chức, viên chức 5.264 người, hợp đồng chuyên môn y tế 216 người, hợp đồng khác 566 người. Nhân lực y tế có trình độ đại học trở lên chiếm 48,6%, trong đó trình độ đại học chiếm 36,8%, sau đại học chiếm 11,8%. Riêng đội ngũ bác sĩ, toàn tỉnh có 1.014 người, trình độ sau đại học (tiến sĩ/ CKII; thạc sĩ/ CKI) chiếm 47,5%, bác sĩ chiếm 52,4%. Có 134 trạm y tế có bác sĩ tại chỗ với 142 bác sĩ, 25 bác sĩ được tăng cường từ TTYT huyện về 25 trạm y tế, đảm bảo duy trì chỉ tiêu 100% trạm y tế có bác sĩ.
Tại BVĐK tỉnh, công tác đào tạo nhân lực được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức, như: Qua các buổi hội chẩn của bệnh viện tuyến trên, hội chẩn ca bệnh thực tế tại bệnh viện với bệnh viện tuyến trên, học tập trực tiếp tại các bệnh viện hàng đầu cả nước, qua việc “cầm tay chỉ việc” của các chuyên gia… Khoa Ung bướu (BVĐK tỉnh) vừa làm chủ được kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường tiền đình miệng do Bệnh viện ĐH Y Hà Nội chuyển giao là một ví dụ.
Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Trí, Trưởng Khoa Ung bướu BVĐK tỉnh, chia sẻ: Trước khi được chuyển giao trực tiếp tại Khoa, chúng tôi đã cử 1 ekip ra học trực tiếp tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội. Sau đó, khi đã chuẩn bị kỹ càng mọi thứ, chuyên gia của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội trực tiếp về Bình Định hướng dẫn theo cách cầm tay chỉ việc tại Khoa. Qua hình thức này, nhân viên y tế của Khoa có điều kiện học sâu, học kỹ để tự tin làm chủ kỹ thuật.
Hằng năm, Bệnh viện Mắt Bình Định thăm khám cho 60.000 ca bệnh, phẫu thuật cho hơn 10.000 ca bệnh. Để hội nhập, nắm bắt thông tin, kiến thức mới nhanh chóng, đội ngũ y bác sĩ trẻ của Bệnh viện Mắt Bình Định được yêu cầu phải học tốt ngoại ngữ.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Triết, Giám đốc Bệnh viện Mắt Bình Định, cho biết: Với số lượng bệnh nhân đông, Bệnh viện Mắt đủ tiềm năng để phát triển thành bệnh viện hiện đại. Còn về chiến lược con người, nếu bác sĩ không biết ngoại ngữ sẽ khó tiếp cận được những vấn đề mang tính quốc tế. Do vậy, khi một bác sĩ trẻ vào làm tại Bệnh viện sẽ được kiểm tra ngoại ngữ, nếu ngoại ngữ không tốt sẽ cho đi học ngay. Học ngoại ngữ, các bác sĩ trẻ còn có cơ hội tìm kiếm học bổng y tế trên thế giới.
Đ. THẢO