Tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu và các hành vi gian lận thương mại đã gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế và người tiêu dùng. Trước diễn biến phức tạp của tình trạng này, trong những tháng đầu năm cùng với công tác thanh, kiểm tra, các lực lượng chức năng đã triển khai đồng hành giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
Lực lượng chức năng bắt giữ thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng nội dung tuyên truyền thiết thực, đa dạng về nội dung. Trong đó, các đội quản lý thị trường trực thuộc đã tham mưu cho 27/27 ban chỉ đạo 389 huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản lý chợ và hệ thống truyền thanh các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô, phát nội dung truyền đĩa CD tại huyện, thị xã, thành phố về việc không kinh doanh nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… Bên cạnh đó, đơn vị cũng thực hiện ký cam kết với 10 doanh nghiệp đầu mối về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng, dầu và chủ động nguồn hàng, bảo đảm cung cấp đầy đủ, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu đối với các cửa hàng bán lẻ trực thuộc, hệ thống phân phối xăng, dầu của các doanh nghiệp. Các đội quản lý thị trường cũng trực tiếp giám sát, bảo đảm việc thực hiện cam kết của 575 cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn toàn tỉnh và xử phạt 1 vụ cửa hàng tự ý nghỉ bán khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý.
Ủy ban MTTQ tỉnh cũng hướng dẫn MTTQ các cấp trong tỉnh thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tuyên truyền, vận động Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; biên tập và phát hành 5.300 cuốn tài liệu Thông tin công tác mặt trận Thanh Hóa; tổ chức truyền thông về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với giới thiệu quảng bá các sản phẩm “OCOP” trong tỉnh; ký kết 70.000 bản cam kết về an toàn thực phẩm tại các mô hình khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm do Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì, qua đó góp phần hạn chế lượng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trên 2 tuyến biên giới đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức 75 buổi tuyên truyền tập trung với 5.250 lượt người tham gia; tổ chức cho 320 hộ dân ký cam kết không trồng cây có chất ma túy, không sử dụng, tàng trữ, che giấu, tiếp tay cho tội phạm ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các loại tội phạm khác; tuyên truyền cá biệt cho hàng trăm lượt người về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người, tác hại của tội phạm ma túy đối với gia đình và xã hội. Cục Hải quan tỉnh cũng đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh trên địa bàn quản lý. Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ban của Đảng, MTTQ tổ chức các hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và chống buôn lậu lâm sản.
Các hoạt động thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh đã góp phần bình ổn thị trường hàng hóa, tiêu dùng trong những tháng đầu năm. Các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tuy vẫn còn xảy ra nhưng không nổi cộm, không tồn tại những vụ việc lớn. Trong 3 tháng đầu năm, các ngành chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã phát hiện, xử lý 371 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 1,1 tỷ đồng. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích, phổ biến pháp luật đến người kinh doanh, người dân để nắm được các quy định của pháp luật khi tham gia kinh doanh, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chấp hành chính sách, pháp luật, góp phần bình ổn thị trường giá cả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh cũng như người tiêu dùng.
Bài và ảnh: Tùng Lâm