Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, Nam Định có hơn 100 lễ hội mùa xuân, tổ chức từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham dự.
Đến đây, người dân và du khách có dịp tham quan các đình, đền, chùa, miếu, phủ, hòa mình vào không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống, cầu may mắn, bình an và hạnh phúc cho năm mới.
Trong đó, Lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) diễn ra từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng hàng năm là một trong những lễ hội lớn của tỉnh. Tham dự lễ hội, người dân và du khách có thể tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử Vương triều Trần, chiêm bái các công trình kiến trúc khu di tích lịch sử – văn hóa: Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch, Đền Trùng Hoa và tham gia các nghi thức, nghi lễ: dâng hương, rước kiệu Ngọc Lộ, rước Nước, tế Cá…
Tại lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) và lễ hội Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực), những phong tục tập quán, nét đẹp văn hoá làng được gìn giữ và phát huy thông qua các loại hình dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian như: hát chèo, hát chầu văn, võ vật, đánh cờ người, múa lân – sư – rồng… Các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống được tổ chức vui tươi, góp phần quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh Nam Định thân thiện, mến khách đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Trong không gian các hội chợ Viềng Xuân (mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng) gắn với các di tích Chùa Đại Bi, Phủ Dầy, các địa phương chú trọng giới thiệu các sản vật nông nghiệp đặc thù, sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống mang ý nghĩa “mua may, bán rủi” đầu năm như: nông cụ, hoa, cây cảnh, cây giống, mây tre nứa, gốm sứ, đồ thờ tự, đồ cổ, giả cổ…
Tuy nhiên, việc quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn xảy ra những hiện tượng phản cảm, tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc; đốt đồ mã, vàng mã nhiều tại một số di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn; khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích…
Trước những tồn tại đó, để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng của người dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức lễ hội mùa xuân.
Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh trong các lễ hội, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân và du khách khi tham gia lễ hội và các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tại các cơ sở thờ tự, các điểm di tích, danh thắng.
Tăng cường công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Nhân rộng các mô hình hay trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội mùa xuân trên địa bàn tỉnh. Xây dựng quy hoạch phân khu di tích và khu vực tổ chức lễ hội; sắp xếp hàng quán dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện giao thông hợp lý, theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan phối hợp đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động lễ hội và dịch vụ văn hoá trong các lễ hội, để các lễ hội mùa xuân diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh.
Lễ hội Khai ấn Đền Trần xuân Giáp Thìn năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 20/2 đến ngày 25/2 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng), tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).
Trong đó, ngày 11 tháng Giêng tổ chức lễ rước Kiệu Ngọc Lộ; ngày 12 tháng Giêng tổ chức lễ rước Nước, tế Cá; ngày 14 tháng Giêng: từ 22h15 đến 22h40 thực hiện nghi lễ dâng hương, từ 22h40 đến 23h10 tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn, từ 23h15 thực hiện nghi lễ Khai ấn.
Trong thời gian làm lễ Khai ấn, Ban tổ chức đóng cửa Đền Thiên Trường để đảm bảo sự tôn nghiêm của nghi lễ truyền thống. Năm nay sẽ có khoảng hơn 30 vạn Ấn bản đền Trần Nam Định được phát hành đến nhân dân và du khách thập phương.
Từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng, tổ chức phát Ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại 3 nhà Giải Vũ, Nhà trưng bày Đền Trùng Hoa.
Ngày 16 tháng Giêng, Ban Tổ chức tiếp tục phát Ấn cho nhân dân và du khách tại các nhà Giải Vũ từ 7 giờ sáng. Cùng ngày, sẽ tổ chức tế, lễ Tết Thượng nguyên tại Đền Cố Trạch và làm lễ dâng Chúc văn hoàn cung.
Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động mới so với những năm trước như: Triển lãm sinh vật cảnh, các trò chơi truyền thống dân gian, triển lãm diều sáo, trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh, các hoạt động văn hóa văn nghệ như hát xẩm, hát văn, múa rối nước…
Địa điểm tổ chức các hoạt động này tập trung tại khu vực sân quảng trường Đông A thuộc khu trung tâm lễ hội Trần, dự kiến sẽ thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự; qua đó góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, nhân văn truyền thống của lễ hội Khai ấn Đền Trần đầu Xuân.