(LĐ online) – Ngày 10/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo đó, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng lưu hành trên thị trường, một số tổ chức, cá nhân chưa đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm song vẫn hoạt động gây nguy cơ rất lớn mất an toàn thực phẩm, còn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm… ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đặc biệt trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm liên quan đến bữa tiệc tự nấu tại nhà ở huyện Lạc Dương làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị.
Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.
Trong đó, các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp tại Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 28/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các vi phạm nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Triển khai các nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp, các ngành theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố; triển khai thanh tra, kiểm tra liên ngành trong các đợt cao điểm, đột xuất, giải quyết các sự cố mất an toàn thực phẩm, xảy ra ngộ độc thực phẩm; kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sau công bố; kịp thời ngăn chặn, không để thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, thực phẩm có chứa chất cấm lưu hành đến tay người tiêu dùng…; chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án tiếp nhận, cấp cứu, điều trị kịp thời người bị ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa tử vong do ngộ độc thực phẩm. Chỉ đạo, phối hợp với các địa phương điều tra, xác định các vụ ngộ độc thực phẩm.
Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thực phẩm đưa vào kinh doanh, tiêu thụ tại các chợ, cơ sở, cửa hàng kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý; phát hiện, xử lý nghiêm việc kinh doanh các loại sản phẩm thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng, sản phẩm không bảo đảm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm; chú trọng truyền thông để chuyển đổi hành vi, tập quán lạc hậu không bảo đảm an toàn thực phẩm…
UBND các huyện, thành phố chủ động tổ chức lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của cơ quan Nhà nước cấp dưới; kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép, buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm về an toàn thực phẩm; kiểm soát tốt các hoạt động từ thiện, nấu ăn lưu động, thức ăn đường phố; chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhất là các đối tượng người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.