Thời gian qua, thực hiện Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến công tác BVMT nói chung và BVMT di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vườn di sản ASEAN – Vườn quốc gia Bái Tử Long nói riêng.
Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan triển khai thực hiện. Tuy nhiên, qua theo dõi giám sát cho thấy công tác BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học tại nhiều khu vực, nhiều địa phương vẫn còn nhiều tồn tại. Chất lượng môi trường tại một số khu vực có biểu hiện ô nhiễm cục bộ, ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân.
Đặc biệt, ô nhiễm do chất thải từ các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội ven bờ (dăm gỗ, chất thải sinh hoạt…) và trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (phao xốp phát sinh từ hoạt động tháo dỡ lồng bè nuôi trồng thủy sản) đang được dư luận, các cơ quan quản lý nhà nước, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) rất quan tâm.
Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ chủ đề công tác năm 2023 về nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng nhiệm vụ năm 2023 và các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác BVMT, ngày 13/4, Sở TN&MT đã ban hành văn bản số 1813/TNMT-BVMT về việc tăng cường công tác quản lý BVMT, đa dạng sinh học tại các Di sản và vùng đệm.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các địa phương, gồm: TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TX Quảng Yên và huyện Vân Đồn tập trung thực hiện những giải pháp sau: Tăng cường tuyên tuyền, huy động cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp tham gia BVMT; thực hiện thường xuyên, có hiệu quả phong trào vệ sinh môi trường như phong trào “Ngày chủ nhật xanh” tại từng tổ dân, khu phố, thôn, xóm; tăng cường thu gom, nạo vét khơi thông hệ thống thoát nước, phát quang, dọn vệ sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải khu dân cư, khu công cộng, trụ sở các cơ quan, đơn vị, khu vực sản xuất kinh doanh, tuyến đường giao thông…; tổ chức các chiến dịch ra quân làm sạch biển; quán triệt triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh về BVMT, đa dạng sinh học trên địa bàn quản lý, trong đó đặc biệt quan tâm tới triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm đếm, đánh giá đảm bảo đạt và vượt các chi tiêu môi trường được giao, khắc phục ngay các khu vực có ô nhiễm môi trường cục bộ; tuyệt đối không để hình thành các điểm nóng về môi trường mà không kịp thời phát hiện và xử lý.
Đồng thời, các địa phương cần chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác BVMT, đặc biệt là việc xả thải chất thải trái phép ra môi trường. Duy trì hoạt động “đường dây nóng”, thực hiện tiếp nhận các nội dung phản ánh về các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, kịp thời tổ chức giải quyết theo thẩm quyền. Khẩn trương rà soát toàn bộ các vị trí, thiết bị lưu chứa chất thải tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, đầu tư nâng cấp, sửa chữa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về BVMT theo quy định hiện hành. Lựa chọn địa điểm tập kết rác thải đảm bảo hợp vệ sinh, mỹ quan đô thị. Tăng cường giám sát việc thu gom, vận chuyển triệt để rác thải sinh hoạt, không để tồn đọng rác tại các điểm tập kết, trung chuyển qua đêm.
Đối với Ban quản lý vịnh Hạ Long, Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long cần tăng cường quản lý BVMT đa dạng sinh học khu vực Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Vườn Di sản ASEAN-Vườn quốc gia Bái Tử Long; phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương khu vực vùng đệm các Di sản thực hiện quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch và các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội khác để phòng ngừa, khắc phục các tác động tiêu cực tới chất lượng môi trường, đa dạng sinh học khu vực di sản; tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc báo cáo, kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm hại di sản; tuyên truyền nâng cao nhận thức, tiếp tục huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp để thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý triệt để phao xốp, dăm gỗ… và chất thải phát sinh trong khu vực quản lý, khắc phục các nội dung UNESCO kiến nghị về công tác BVMT vịnh Hạ Long.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Công an tỉnh quan tâm chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ từ cấp tỉnh đến cấp phường, xã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là các hành vi xả thải chất thải trái phép ra môi trường.