Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy hệ thống các di tích lịch sử – văn hóa, địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ số lượng lớn các di vật, cổ vật, đồ thờ tự có giá trị, trong đó, nhiều hiện vật độc đáo, đảm bảo các tiêu chí về lịch sử, văn hóa, khoa học và khá phong phú về loại hình, chất liệu, niên đại; hàm chứa nhiều giá trị về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật.
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh Nam Định trong tổng số 423 di tích đã xếp hạng và 925 di tích nằm trong danh mục kiểm kê có 5 nhóm bảo vật quốc gia, gần 25 nghìn di vật, cổ vật, hiện vật có giá trị.
Vì vậy, nhiều năm qua, tình trạng kẻ gian trộm cắp, trao đổi, buôn bán bất hợp pháp các di vật, cổ vật, đồ thờ tự vẫn xảy ra tại một số di tích, làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích và giá trị văn hóa tín ngưỡng tâm linh, gây bức xúc trong xã hội.
Thực hiện Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Di sản văn hóa, từ năm 2017, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành các quyết định về: phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa; phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê các di tích trên địa bàn tỉnh.
Trong đó đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích; thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực di sản. Phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương.
Thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định đã ban hành các văn bản hướng dẫn Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện, thành phố, Ban quản lý di tích tại các địa phương về việc tiếp nhận các hiện vật, đồ thờ tự và các linh vật tại di tích; tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, cháy nổ, trộm cắp di vật, cổ vật, đồ thờ tự tại di tích; bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia.
Các cổ vật, di vật, đồ thờ tự có giá trị tại các di tích lịch sử – văn hóa nằm trong danh mục kiểm kê được cơ quan chuyên môn lập bảng thống kê ghi chép đầy đủ, chính xác các thông tin về tên gọi, mã số, nguồn gốc, niên đại, loại hiện vật, chất liệu, kích thước của hiện vật để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ.
Tại các di tích lịch sử – văn hóa sau khi được xếp hạng địa phương đều thành lập Ban Quản lý di tích để điều hành các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ, khai thác phát huy giá trị di tích.
Hàng năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức tiến hành kiểm kê đối với toàn bộ di vật, cổ vật tại các di tích trên địa bàn, xác định rõ số lượng, hiện trạng để chỉ đạo, hướng dẫn Ban quản lý di tích địa phương tăng cường các biện pháp gìn giữ, bảo quản hiện vật và công tác quản lý, bảo vệ di tích đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ để quản lý, giám sát di vật, cổ vật, bảo vật trong các di tích như lắp đặt camera, số hóa di vật, hiện vật, bảo vật, đánh mã số quản lý để dễ nhận diện.
Ngoài những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn còn nhiều bất cập.
Việc tiếp nhận đồ thờ tự và các linh vật tại một số địa phương, di tích, cơ sở thờ tự còn chưa đúng quy định, tự ý tiếp nhận vào di tích khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý có thẩm quyền; công tác bảo đảm an toàn, an ninh tại các di tích chưa cao nên vẫn còn xảy ra hiện tượng mất trộm di vật, đồ thờ tự.
Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như: hệ thống di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh có số lượng nhiều, rộng khắp; Nhiều địa phương đã thành lập Ban quản lý di tích song người trông coi đều cao tuổi hoặc trụ trì, thủ thang mà không tổ chức thành lập lực lượng trông coi di tích.
Nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ di sản văn hóa chưa đầy đủ, đồng đều, chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trong việc quản lý, bảo vệ di tích. Việc truy tìm kẻ gian, thu hồi các hiện vật, cổ vật bị đánh cắp còn nhiều khó khăn…
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, đồ thờ tự có giá trị tại các di tích, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định Luật Di sản văn hóa trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, các giá trị di vật, cổ vật, hiện vật tại các di tích cho đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa – xã hội các địa phương và những người trực tiếp trông coi các di tích trên địa bàn.
Tiến hành kiểm kê, lập danh mục các di vật, cổ vật hiện có trong các di tích. Đối với các di tích đã xếp hạng, Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện, thành phố phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn rà soát đối chiếu với bảng thống kê hiện vật thuộc di tích để bàn giao cho các Ban quản lý di tích địa phương quản lý, định kỳ hàng quý, hàng năm kiểm kê số lượng, đánh giá tình trạng các di vật, hiện vật.
Đối với các di tích trong danh mục kiểm kê, Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện, thành phố phối hợp, hướng dẫn các Ban quản lý di tích, chính quyền địa phương hoặc các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, trông coi lập danh mục thống kê các di vật, cổ vật hiện có trong di tích để quản lý về số lượng và hiện trạng của các di vật, cổ vật, từ đó có biện pháp bảo vệ, bảo quản phù hợp.
Các địa phương chỉ đạo Ban quản lý di tích tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị phòng chống cháy nổ tại các di tích có di vật, cổ vật, bảo vật quý hiếm. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa đến người dân để cùng nhau góp phần bảo tồn nguyên trạng di sản, đảm bảo không gian tôn nghiêm cho các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn.