Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đến nay tỉnh Thái Bình có 75 công trình cấp nước sạch tập trung đang hoạt động cấp nước theo quy hoạch với tổng công suất thiết kế là 359.370 m3/ngày đêm, công suất thực tế hiện nay đạt khoảng 521.000 m3/ngày đêm, do 33 doanh nghiệp, 07 đơn vị cấp xã (UBND xã, Hợp tác xã) quản lý, vận hành, khai thác.
Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ hệ thống công trình cấp nước sạch tập trung đạt gần 100%; 100% xã, thị trấn đã thành lập tổ thu gom rác thải, nòng cốt là Hội phụ nữ. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong dân cư được các hộ dân tập kết chung tại các điểm tập kết ven các trục đường thôn, xã, thị trấn; tổ chức thu gom bằng các phương tiện vận chuyển về khu xử lý rác. Kết quả tổng hợp do các huyện báo cáo, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom hiện nay đạt 96,37% . Trên địa bàn tỉnh có 01 Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt thực hiện xử lý CTRSH bằng công nghệ TTD-01 (không chôn lấp) cho 15 xã, thị trấn huyện Quỳnh Phụ.
Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đã được quan tâm hơn, nhận thức và năng lực tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm của người dân, nhất là chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất ở các xã đang xây dựng nông thôn mới nâng cao có nhiều chuyển biến tích cực, các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm được vận dụng trong thực tiễn sản xuất kinh doanh của cơ sở.
Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 14/7/2021 về Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đối với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 30/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với dự án đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Thái Bình hỗ trợ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt 10.000 đồng/người/năm cho tất cả các xã, phường, thị trấn; 15.000 đồng/người/năm cho những xã, thị trấn tự thực hiện xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt hoặc công nghệ khác. Hỗ trợ 100% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho toàn bộ diện tích đất được quy hoạch để xây dựng nhà máy xử lý rác sthair sinh hoạt tập trung; hỗ trợ 50% tiền lãi vay ngân hàng để đầu tư tài sản cố định thuộc dự án trong 3 năm kể từ ngày vay vốn, tổng mức hỗ trợ không vượt quá 5 tỷ đồng/dự án. Hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông kết nối nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung với hệ thống giao thông hiện có.
UBND cấp xã nơi đặt nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung được hỗ trợ 7 tỷ đồng đối với quy mô công suất 100 – dưới 200 tấn/ngày, 10 tỷ đồng đối với quy mô công suất từ 200 tấn/ngày trở lên; UBND cấp xã nơi giáp ranh liền kề nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung được hỗ trợ 3,5 tỷ đồng đối với quy mô công suất 100 – dưới 200 tấn/ngày, 5 tỷ đồng đối với quy mô công suất từ 200 tấn/ngày trở lên…
CHUYÊN MỤC “THÁI BÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI”
Nguồn: https://danviet.vn/thai-binh-tang-cuong-co-che-chinh-sach-ho-tro-bao-ve-moi-truong-cap-nuoc-sach-nong-thon-2024101510420898.htm