Đề án đặt mục tiêu tổng thể là tăng cường chuyển đổi số trong công tác dân tộc nhằm hiện thực hóa Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số trong các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời phát triển kinh tế số và xã hội số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đề án cũng hướng đến giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong lĩnh vực công tác dân tộc; xây dựng kế hoạch triển khai Đề án và vận hành Trung tâm dữ liệu tại Ủy ban Dân tộc (UBDT). Đến giai đoạn 2026-2030, Đề án đặt mục tiêu số hóa toàn diện trong xử lý hồ sơ và văn bản, với 100% lãnh đạo Ủy ban Dân tộc sử dụng chữ ký số cá nhân và 70-80% lãnh đạo cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện áp dụng công nghệ số trong công việc.
Chuyển đổi số thúc đẩy kinh tế số, xã hội số
Đề án nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế – xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các mục tiêu lớn bao gồm việc tập huấn, đào tạo chuyển đổi số cho ít nhất 50% doanh nghiệp, hợp tác xã và kinh tế hộ gia đình người dân tộc thiểu số. Trong phát triển xã hội số, cần có 80% trưởng thôn, bản, ấp, buôn và người có uy tín trong cộng đồng được đào tạo về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số.
Tăng cường chuyển đổi số đối với công tác dân tộc đến năm 2030
Đồng thời, Đề án đặt mục tiêu 50% chủ thể OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào nền kinh tế số. Điều này không chỉ góp phần tăng năng suất lao động, mà còn thúc đẩy hội nhập kinh tế và nâng cao đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa.
Để thực hiện hiệu quả Quyết định 1087/QĐ-TTg, Ủy ban Dân tộc đã ban hành các hướng dẫn chi tiết, yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án phù hợp với tình hình thực tế. Các địa phương cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, đồng thời lồng ghép nội dung này vào các chương trình, dự án hiện có để tránh trùng lặp, lãng phí nguồn lực.
Cụ thể, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính để xác định nhiệm vụ, giải pháp phù hợp. Trong quá trình xây dựng kế hoạch, cần rà soát các hệ thống thông tin quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố để đảm bảo tính đồng bộ và tránh trùng lặp.
Ngoài ra, Ủy ban Dân tộc cũng yêu cầu các địa phương phân công rõ trách nhiệm, xác định kết quả và thời gian thực hiện cụ thể. Việc bố trí nguồn lực tài chính và nhân sự là yếu tố then chốt để đảm bảo các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong kế hoạch được triển khai đúng thời gian và đạt chất lượng cao.
Một trong những nguyên tắc quan trọng của Đề án là đảm bảo sự thống nhất giữa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp. Mỗi mục tiêu đều phải có nhiệm vụ và giải pháp cụ thể tương ứng để đạt được kết quả mong muốn. Đặc biệt, các địa phương không đề xuất xây dựng mới những hệ thống thông tin đã có hoặc đang triển khai, trừ khi cần bổ sung chức năng theo nhu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, các địa phương cần khai thác hiệu quả các nền tảng số quốc gia và bảo đảm tính liên thông, nhất quán với các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đảm bảo nguồn lực
UBDT cũng nhấn mạnh vai trò của việc huy động nguồn lực con người và tài chính để thực hiện Đề án. Các địa phương cần bố trí đội ngũ chuyên môn có năng lực và kinh nghiệm để triển khai các hoạt động chuyển đổi số, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của kế hoạch.
Trong quá trình thực hiện, cần lưu ý lồng ghép các nội dung của Đề án với các chương trình, dự án khác một cách hợp lý, tránh chồng chéo nhiệm vụ, đồng thời đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Hướng dẫn từ UBDT được xem như kim chỉ nam cho các địa phương trong quá trình triển khai Đề án. Đây là bước đi chiến lược, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Việc triển khai đồng bộ, nhất quán giữa các cấp sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của các địa phương, nâng cao đời sống người dân và bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số. Đề án cũng mở ra cơ hội lớn để vùng đồng bào dân tộc thiểu số bắt kịp xu thế công nghệ, vươn lên trong thời kỳ hội nhập./.
Nguồn: https://mic.gov.vn/tang-cuong-chuyen-doi-so-doi-voi-cong-tac-dan-toc-den-nam-2030-197241227165547338.htm