Tăng cường các biện pháp để giảm tai nạn giao thông ở khu vực nông thôn

Việt NamViệt Nam18/02/2025


Thời gian gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm chế, kéo giảm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các vụ TNGT ở khu vực nông thôn có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng quan tâm, có giải pháp hữu hiệu bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi tham gia giao thông.

Đã gần 2 tháng trôi qua nhưng người dân xã Bình An (Bình Lục) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết thương tâm vì TNGT của anh Nguyễn Văn H. (sinh năm 1995, có hộ khẩu thường trú tại xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân) khi lưu thông qua địa bàn. Theo lời kể của một số người dân sinh sống ở khu vực xảy ra tai nạn, một nam thanh niên điều khiển xe máy đâm vào cột mốc giao thông bên đường, nằm bất động, xe văng cách đó chừng 15 mét. Do cú đâm quá mạnh khiến nạn nhân không qua khỏi. Còn trước đó, tại khu vực xã Thanh Hà (huyện Thanh Liêm) cũng xảy ra một vụ tai nạn giữa xe ô tô tải và xe máy cùng chiều, khiến chị Đỗ Thị Q, (ở xã Mỹ Thuận, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) là người điều khiển xe máy, tử vong tại chỗ...

Đây chỉ là 2 trong hàng chục vụ TNGT đau lòng xảy ra tại các tuyến giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, chỉ tính riêng năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 288 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 148 người, 26 người bị thương (tăng 6 vụ, tăng 8 người chết, giảm 4 người bị thương so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, TNGT trên các tuyến đường GTNT tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương với 67 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 43 người, 45 người bị thương (tăng 32 vụ, tăng 25 người chết, tăng 17 người bị thương so với cùng kỳ năm 2023).

Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tại khu vực nông thôn gia tăng là một trong những nguyên nhân làm tăng TNGT.

Qua các vụ TNGT xảy ra trên các tuyến đường GTNT cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT ở khu vực này gia tăng. Trong đó, ở nhiều tuyến đường còn thiếu hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm, hệ thống cọc tiêu, rào chắn để hướng dẫn người tham gia giao thông; tình trạng họp chợ, dựng xe, biển quảng cáo, làm hàng quán, tập kết vật liệu xây dựng, phơi thóc, nông sản, thả gia súc trên đường… lấn chiếm, vi phạm hành lang giao thông còn diễn ra phổ biến. Nhưng quan trọng nhất vẫn là do ý thức chấp hành Luật Trật tự ATGT đường bộ của người tham gia giao thông còn hạn chế; các vụ vi phạm về trật tự ATGT ở khu vực nông thôn xảy ra chủ yếu là do lái xe chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; chạy quá tốc độ cho phép, chở hàng cồng kềnh, vượt xe sai quy định, lái xe thiếu quan sát; không ít người tham gia giao thông- nhất là thanh niên, có sử dụng rượu, bia. Cá biệt, vẫn còn khá phổ biến tình trạng trẻ em điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, chở theo từ 2- 3 người tham gia giao thông vẫn điều khiển xe chạy trên đường. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT ở một số địa phương, nhất là cấp xã còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Trật tự ATGT đường bộ chưa được duy trì thường xuyên, hiệu quả chưa cao; lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến đường nông thôn còn thiếu và mỏng…

Nhằm giảm thiểu TNGT tại khu vực nông thôn, thiết nghĩ, cần có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu từ ngành chức năng và chính quyền địa phương. Trước hết, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trong đó chú trọng tuyên truyền người dân tại khu vực nông thôn cần thực hiện nghiêm các giải pháp phòng tránh tai nạn, như: tuân thủ tốc độ và các quy định khi tham gia giao thông; không điều khiển xe khi đã uống rượu, bia; chấp hành tốt các quy định về bảo vệ hành lang ATGT; phát quang cây cối, bụi rậm, giải tỏa các chướng ngại vật để không ảnh hưởng đến tầm nhìn, bảo đảm hành lang giao thông được thông suốt. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cần phối hợp với ngành chức tăng tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng về công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn, từ đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền tiến hành lắp đặt hệ thống biển báo giao thông, cảnh báo nguy hiểm trên những tuyến đường hay xảy ra tai nạn; xây dựng và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ giữ gìn trật tự ATGT tại địa phương, như: tổ tự quản ATGT, cổng trường ATGT…

Về phía lực lượng chức năng, cần bố trí lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về trật tự ATGT, đặc biệt là các hành vi có nguy cơ cao gây TNGT; việc kiểm soát ATGT ở nông thôn cần có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, như: công an xã, dân quân tự vệ và sự phối hợp tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội địa phương. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn được phân cấp quản lý và hơn hết, mỗi người dân ở khu vực nông thôn cần nêu cao tinh thần, ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông, góp phần làm giảm các vụ va chạm, TNGT trên địa bàn.

Quang Huy



Nguồn: https://baohanam.com.vn/kinh-te/giao-thong-xay-dung/tang-cuong-cac-bien-phap-de-giam-tai-nan-giao-thong-o-khu-vuc-nong-thon-148957.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn

No videos available