Việt Nam đang có khoảng 127 triệu thuê bao di động. Trong đó, 3 nhà mạng lớn là Viettel, Mobifone, Vinaphone chiếm 96% thị phần thuê bao.
Hiện tại, tính cả 3 nhà mạng này còn khoảng 3,8 triệu thuê bao có thông tin sai lệch. Trong đó, Mobifone là 1,4 triệu thuê bao, Viettel là 1,3 triệu thuê bao, Vinaphone là 1,1 triệu thuê bao. Từ tháng 3-2022, Bộ TT-TT đã thực hiện kiểm tra, rà soát hoạt động quản lý thuê bao viễn thông, xử lý các sim có thông tin không đúng quy định và sim bị sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Kết quả của đợt kiểm tra cho thấy vẫn còn sai phạm trong việc quản lý thuê bao di động của doanh nghiệp. Còn tình trạng mua bán sim đăng ký sẵn thông tin thuê bao, sim đầy đủ thông tin thuê bao của một số cá nhân đã đăng ký nhưng khi chuyển quyền sử dụng cho cá nhân khác lại không thực hiện cập nhật theo quy định. Đây là kẽ hở cho các tổ chức tội phạm tận dụng mạo danh cá nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tán phát thông tin độc hại.
Theo Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai nhiều giải pháp chuẩn hóa để bảo đảm thông tin người dùng hợp lệ. Tuy nhiên, trong quá trình đăng ký thuê bao, các nhà mạng mới chỉ dựa trên giấy tờ của các cá nhân, doanh nghiệp, chưa có một kênh thông tin chuẩn để thực hiện đối soát. Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; trong thời gian qua, Cục Viễn thông đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối soát thông tin, từ đó phát hiện và xử lý những thuê bao có thông tin không chính xác.
Bộ TT-TT cho biết, việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động để bảo đảm trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hoạt động cần thiết; phải có sự tham gia, phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng sim điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định để thực hiện lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục… Sở TT-TT các tỉnh, thành phố phải tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các doanh nghiệp trên địa bàn, báo cáo lãnh đạo Bộ TT-TT xử lý nghiêm nếu có sai phạm, bao gồm việc đề nghị đình chỉ hoạt động cung cấp thuê bao mới đối với các doanh nghiệp viễn thông vi phạm.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh, các nhà mạng phải cương quyết dừng hoạt động của những thuê bao có thông tin không chính xác. Theo đó, các nhà mạng sẽ thực hiện gửi tin nhắn yêu cầu bổ sung tới các thuê bao có thông tin chưa chính xác, sau đó sẽ thực hiện khóa một chiều, khóa hai chiều và tiến tới chấm dứt hợp đồng đối với các thuê bao không cập nhật thông tin chính xác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phải bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, tránh làm ảnh hưởng đến các thuê bao đã có thông tin đúng quy định; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ trong việc phối hợp chuẩn hóa thông tin thuê bao.
HOÀNG CHUNG