Hiện các NH thương mại, ví điện tử đang khẩn trương đề nghị khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học trong năm 2024.
Theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN và Thông tư 18/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tài khoản thanh toán và thẻ NH chưa hoàn tất xác thực sinh trắc học trước mốc 1-1-2025 sẽ phải tạm dừng giao dịch trực tuyến (thanh toán, chuyển tiền, nạp tiền) hay rút tiền tại máy ATM…
Hiện các NH thương mại, ví điện tử đang khẩn trương đề nghị khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học trong năm 2024. Đây là bước đi tiếp theo của ngành NH sau Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ về triển khai xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng và tổng giá trị giao dịch quá 20 triệu đồng/ngày.
Các giải pháp trên của NHNN nhằm tăng cường bảo đảm an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo của tội phạm mạng. Đặc biệt, những giải pháp này sẽ góp phần hạn chế tình trạng mua, bán, cho thuê, mượn tài khoản, truy cập các đường link không rõ nguồn gốc, tải ứng dụng giả mạo, lộ thông tin cá nhân, mật khẩu NH điện tử, mã OTP… Từ đó, giảm tình trạng người dùng bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Thông tin từ Vụ Thanh toán – NHNN cho thấy sau khi triển khai theo Quyết định 2345, số vụ việc gian lận giảm 50% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024, số tài khoản liên quan đến lừa đảo gian lận giảm 72%.
Tốc độ tăng trưởng các kênh thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam thường xuyên đạt mức 2 con số trong thời gian qua. Ở chiều ngược lại, Việt Nam còn “nổi tiếng” là vùng trũng của tội phạm mạng và lừa đảo. Các nước trên thế giới cũng đau đầu vì tội phạm mạng. Theo thống kê được Bộ Công an nêu, trên thế giới lừa đảo trực tuyến chiếm 57% tổng số tội phạm mạng, loại hình này đang gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi. Kẻ gian triệt để khai thác công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), gây thiệt hại hàng ngàn tỉ USD mỗi năm. Năm 2023, lừa đảo viễn thông và trực tuyến gây thiệt hại 1.026 tỉ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu…
“Cuộc chiến” giữa các tổ chức tài chính và tội phạm mạng có thể nói rất khó có hồi kết. Bởi công nghệ luôn thay đổi, tội phạm mạng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn lừa đảo theo hướng tinh vi hơn. Như các giải pháp về xác thực sinh trắc học của ngành NH hiệu quả để triệt tài khoản ảo, tài khoản rác, tình trạng cho thuê, mượn tài khoản để lừa đảo… nhưng vẫn chưa xử lý được tình trạng deepfake (dùng AI để tạo hình ảnh, video giả mạo tạo khuôn mặt, giọng nói mạo danh người dùng) để lừa đảo. Kẻ gian vẫn có thể tìm ra các lỗ hổng nhằm bẻ khóa, giả mạo dấu hiệu sinh trắc học của con người để chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng…
Vì vậy, ứng dụng sinh trắc học, người dùng cũng cần chủ động cảnh giác, cập nhật liên tục thủ đoạn lừa đảo mới để phòng tránh. Kẻ gian thường nhắm vào những đối tượng yếu thế như người lớn tuổi, thiếu hiểu biết về công nghệ nên cần giải pháp của cơ quan quản lý để hỗ trợ các đối tượng này. Cùng với đầu tư công nghệ và tăng cường bảo mật, các NH cần tuyên truyền, cảnh báo khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo và các tài khoản nghi ngờ gian lận.
Nguồn: https://nld.com.vn/tang-cuong-bao-mat-chan-lua-dao-196241206212750352.htm