Nhiều năm qua, việc xét tuyển đại học theo phương thức xét tuyển học bạ được áp dụng. Đây là phương thức mà nhiều người cho rằng tồn tại những bất cập khi không đánh giá đúng năng lực của thí sinh.
Tuy nhiên, do sức ép đủ chỉ tiêu tuyển sinh nên các trường đại học vẫn lựa chọn hình thức này như một cách để “vợt” đủ thí sinh.
Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển 3.500 chỉ tiêu, trong đó có phương thức xét tuyển học bạ THPT kết hợp điểm thi đánh giá năng lực.
Trường này dành 40% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực kết hợp điểm học bạ THPT, tăng gấp đôi so với năm trước.
Trường Đại học Nha Trang cũng dành 40% trong số 3.600 chỉ tiêu xét tuyển năm nay cho phương thức học bạ THPT.
Trường Đại học Thương mại dự kiến sử dụng 8 phương thức xét tuyển trong đó 7 phương thức cũ năm 2022 và thêm phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Đối với phương thức xét tuyển kết quả học tập bậc THPT, trường xét tuyển kết quả học tập bậc THPT theo từng tổ hợp bài thi/môn thi.
Cụ thể điểm xét tuyển = Tổng điểm 3 môn thi theo tổ hợp đăng ký xét tuyển + (điểm ưu tiên theo đối tượng + điểm ưu tiên theo khu vực nếu có)
Trong đó, điểm từng môn trong tổ hợp đăng ký xét tuyển được xác định là trung bình cộng điểm học tập 3 năm lớp 10,11,12 của môn đó.
Phương thức xét tuyển bằng học bạ trong một vài mùa tuyển sinh trở lại đây là phương thức được nhiều trường sử dụng, dành phần lớn chỉ tiêu.
Theo kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm trung bình học bạ các môn tương ứng năm 2021 do Bộ GDĐT công bố, nhiều môn có chênh lệch giữa điểm thi và học bạ lớn. Điều cho thấy việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp.