Theo tờ Times của Mỹ, ngày 23/9/2023 lực lượng vũ trang Ukraine đã nhận được lô xe tăng Abrams đầu tiên. Như thông báo của phía Ukraine ngày 19/9, lô đầu tiên có 10 chiếc, trong tổng số 31 mà Mỹ hứa cung cấp cho đến cuối năm nay.
Tờ Politico của Mỹ đưa tin, quân đội Ukraine đã hoàn thành chương trình huấn luyện trên loại xe M1 Abrams và số xe trên có thể được sử dụng ngay trong cuộc phản công của Ukraine vào khu vực Nga đang kiểm soát ở phía Đông và Nam Ukraine.
Chúng ta hãy cùng xem loại xe tăng có những đặc điểm gì mà Mỹ phải chờ đến gần một năm hứa hẹn mới có thể chuyển giao cho Ukraine.
Hứa M1A2, chuyển giao M1A1
Tăng Abrams M1A2 không phải là loại mới nhất bởi việc sản xuất bắt đầu từ năm 1992. Tuy nhiên, ngoài các đặc tính chiến đấu cao truyền thống, các chỉ số an toàn cho tổ lái tốt, tính cơ động, khả năng bảo trì và nhiều thứ khác, phương tiện này còn được trang bị các thiết bị điện tử rất tốt.
Như báo chí thông tin, quyết định cung cấp xe tăng Abrams của Mỹ được đưa ra vào cuối tháng 1/2023. Lô hàng được lên kế hoạch với quy mô nhỏ – một tiểu đoàn (31 xe) và thời hạn kéo dài đến cuối năm 2023. Niềm vui của phía Ukraine là vô cùng khi được thông tin các biến thể M1A2 sẽ được gửi đến Kiev dưới dạng viện trợ quân sự.
Loại tăng này có thiết bị màn hình nhiệt cho lính lái, xạ thủ và chỉ huy, đồng thời có thiết bị quan sát toàn cảnh. Hệ thống điều khiển dập cháy được tự động hoàn toàn. Tăng được trang bị hệ thống thông tin IVIS (Interactive video information System), gắn với hệ thống điều khiển tự động cấp chiến thuật có khả năng cung cấp thông tin chiến đấu và trinh sát giữa các phương tiện và trung tâm điều khiển, có hệ thống thiết bị định vị… Nhìn chung, thông tin công nghệ về loại tăng này có vẻ rất hấp dẫn.
Nhưng lời hứa không phải lúc nào cũng giống như thực tế và năng lực của các nhà sản xuất tăng không phải lúc nào cũng tương ứng với yêu cầu của khách hàng. Thực tế, nhu cầu sửa chữa lớn và hiện đại hóa Abrams là khá cao. Hơn nữa, các đối tác khác của Mỹ, trong đó ưu tiên hàng đầu là Đài Loan (Trung Quốc), đã đặt mua một loạt M1 loại biến thể M1A2.
Trước hết, Mỹ từ lâu không sản xuất mới hoàn toàn xe tăng loại này mà tất cả đều được lấy từ kho chứa. Để chuyển giao biến thể M1A2 cần tốn nhiều công sức, bao gồm sửa chữa, thay thế lớp vỏ giáp chống đạn và lắp đặt các bộ phận theo yêu cầu của khách hàng. Vì vậy, để không bị trễ thời hạn cho đối tác khác, Mỹ đã quyết định chọn loại tăng M1A1 để cung cấp cho Ukraine, cũ hơn nhiều và cấu hình kém hơn.
Nâng cấp có giới hạn
Xe tăng Abrams nguyên bản bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào năm 1985 và trong phiên bản gốc, chúng không có hệ thống định vị và thông tin-điều khiển giống như biến thể M1A2, cũng như không có kính ngắm toàn cảnh của người chỉ huy, một thiết bị quan sát, nếu không có sẽ không thể có sự phối hợp hoàn hảo giữa chỉ huy và xạ thủ. Ngoài ra, khó có tác chiến suôn sẻ trong điều kiện tầm nhìn kém, và hệ thống điều khiển hỏa lực cũ…
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự phương Tây và giới truyền thông có ý kiến cho rằng mẫu xe Abrams đời 1985, mặc dù vẫn còn rất nhiều trong kho, sẽ không được chuyển giao ngay cho Ukraine bởi hiệu quả chiến đấu tương đối thấp, khả năng tổn thất cao nên cần tiêu chuẩn hóa chúng thành biến thể M1A1.
Dự án tăng cũ 1985 nếu được nâng cấp đầy đủ sẽ bao gồm sửa chữa tất cả các bộ phận của xe tăng về trạng thái vừa xuất xưởng, như ta hay nói là về Mo. Lớp giáp bảo vệ tăng được thay thế bằng uranium nghèo thế hệ thứ ba. Hệ thống điều khiển hỏa lực được hiện đại hóa, thông qua việc ứng dụng phần mềm và phần cứng mới, bao gồm một máy tính hiện đại được cập nhật với bộ nhớ dung lượng lớn, cũng như cung cấp khả năng bắn được hầu hết các loại đạn hiện đại của Mỹ.
M1A1 |
Sự xuất hiện của thiết bị quan sát toàn cảnh dành cho người chỉ huy không được cung cấp trong biến thể cải tiến này, tuy nhiên, xạ thủ có thể tùy ý sử dụng ống nhòm thế hệ thứ hai với độ phân giải hình ảnh cao và theo đó, khoảng cách nhận dạng mục tiêu tốt. Lính lái tăng cũng có một thiết bị chụp ảnh nhiệt, giúp mở rộng khả năng lái xe tăng trong điều kiện tầm nhìn kém, kể cả vào ban đêm.
Các thiết bị điện tử quan trọng không kém khác: đó là sự áp dụng thiết bị chẩn đoán-thông tin để theo dõi tình trạng hoạt động của các bộ phận và các động cơ khác của xe, phương tiện liên lạc mới, định vị vệ tinh, cũng như thiết bị đầu cuối FBCB2-BFT. Thiết bị này cho phép tổ lái làm việc với hệ thống điều khiển chiến đấu tự động ở cấp lữ đoàn trở xuống dưới dạng thu thập thông tin về vị trí của chính mình, của quân mình và quân địch, trao đổi thông tin chiến đấu…
Tuy nhiên, M1A1 cung cấp cho Ukraine không được trang bị lớp giáp bảo vệ uranium nghèo nào. Và, theo tuyên bố của người Mỹ về việc thiếu một số linh kiện điện tử “quan trọng”, có thể hình dung rằng thiết bị FBCB2 cũng sẽ không được lắp vào tăng nâng cấp này. Tuyên bố chính thức của Mỹ về việc không có thiết bị này là do “quá khó, cần phải đào tạo”, nhưng trên thực tế việc lo sợ khả năng tăng này rơi vào tay quân đội Nga là khá cao, hậu quả sẽ nghiêm trọng nên việc trang bị thiết bị hiện đại bị cắt lại.
Về những cải tiến khác, rất có thể chúng sẽ có trên xe Abrams chuyển giao cho Ukraina, và tất nhiên sẽ hơn loại M1A1 tiêu chuẩn. Rõ ràng, những câu chuyện về việc bàn giao Abrams cũ kỹ ít giá trị từ kho hàng cho người Ukraine chỉ là hài hước. Một chiếc xe tăng có khả năng bắn gần như toàn bộ các loại đạn pháo do Mỹ sản xuất – từ đạn xuyên giáp cho đến đạn pháo, đồng thời được trang bị các thiết bị ngắm, liên lạc và dẫn đường tốt, thì không phải trò đùa.
Thế nhưng, có một số điểm yếu mà xe tăng Abrams tại Ukraine phải đương đầu, như nhiên liệu sử dụng phải nhập khẩu, đội ngũ nhân viên bảo trì phải lành nghề, đông đảo, và phương tiện hỗ trợ hùng hậu. Thông thường, một tiểu đoàn xe tăng Mỹ (từ 15-30 xe) cần một tiểu đoàn bảo trì khoảng 500-600 người và một Abrams chiến đấu trên chiến trường cần khoảng 12 loại phương tiện khác nhau để trợ giúp.
Như vậy, với số lượng xe tăng Abrams được giao hạn chế và cuộc phản công với công nghệ phương Tây đang diễn ra chậm chạp, số phận của những chiếc tăng Abrams ở Ukraina có thể rất khốn khó, giống như tăng Leopard 2, xe thiết giáp Bradley, được người Nga dự đoán sẽ nằm lại mãi mãi trên cánh đồng.