Từ gần 2 năm nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và những người lao động khác trong hệ thống hành chính nước ta ngóng chờ việc tăng lương. Nói ngóng chờ quả là không sai, bởi người trong cuộc ngóng đã đành, mà người ngoài cuộc ở chợ thì đã biến cái ngóng chờ này thành những con số cụ thể.
Tuy nhiên, điều lạ là lần này ngoài thông tin chung sẽ cải cách lương, rằng lương sẽ tăng nhiều thì không hề có gì cụ thể hơn. Nói cải cách tiền lương hoài mà không hình dung được tóm lại sẽ tăng cụ thể là bao nhiêu, rồi thang bảng lương có gì thay đổi lớn so với hiện tại.
Lương của mình đang là hệ số ba chấm mấy, bốn chấm mấy gì đó nhân lên với mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng thế là ra lương. Rất phức tạp và khó nhớ, nhiều người nói vậy. Tôi thì không nghĩ như vậy, bởi làm gì mà khó nhớ, làm gì mà phức tạp. Ước gì cứ phức tạp vậy, nhưng mức lương cơ sở cứ tăng đều đều thì quá tốt. Vấn đề quan trọng nhất đối với người đi làm ở cả khu vực công lẫn khu vực tư là lương phải đủ sống và có tích lũy, lương không chỉ đủ ăn, đủ mặc, đủ trang trải học hành của con cái, mà còn là khả năng mua được nhà trên thị trường bất động sản sau một số năm đi làm.
Dự tính cải cách tiền lương lần này sẽ bỏ hẳn thiết kế lương theo hệ số, xây dựng thang bảng lương theo vị trí việc làm và sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, theo chức danh, chức vụ lãnh đạo. Năng lực anh đến đâu, kết quả công việc của anh ra sao sẽ là thước đo cơ bản để trả lương cho anh theo vị trí việc làm mà anh đang được giao phó. Nghe rất công bằng và hợp lý. Sẽ không còn hiện tượng không làm, làm ít, kết quả công việc mức độ nhưng vẫn nhận lương đầy đủ như những người có kết quả công việc tốt hơn.
Tuy nhiên, để làm được trả lương theo vị trí việc làm lại không hề đơn giản. Làm mà không chuẩn thì rất gay go, sẽ ảnh hưởng đến những dự tính tốt đẹp.
Vị trí việc làm (VTVL) là vấn đề chúng ta tham khảo của một số nước và đưa vào áp dụng tại nước ta. Nhưng hiểu đúng VTVL đã khó, xây dựng VTVL cụ thể còn khó hơn. Theo quy định hiện hành, chúng ta đang có VTVL ngành nội vụ, VTVL lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, VTVL lĩnh vực khoa học và công nghệ, VTVL ngành giáo dục và đào tạo… Rồi VTVL chuyên môn dùng chung như thanh tra, pháp chế, tổ chức, cán bộ…
Nói một cách ngắn gọn, VTVL mà chúng ta xây dựng phải chuẩn thì mới có thể trả lương theo VTVL; nếu dựa vào một nội dung chưa chuẩn để cải cách lương thì sẽ có vấn đề. Tạm dừng, để tiếp tục nghiên cứu là phù hợp và vì vậy, tạm thời cứ duy trì thang bảng lương theo hệ số cộng với nâng mức lương cơ sở.
Thông tin chính thức theo Bộ Nội vụ, Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương để Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024.
Cụ thể, từ ngày 1/7, đồng bộ thực hiện tăng 30% mức lương cơ sở (từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng) cho tất cả các đối tượng hưởng lương và đối tượng hưởng các chính sách gắn với lương cơ sở từ ngân sách nhà nước.
Mặc dù chưa thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và chức danh, chức vụ lãnh đạo nhưng đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 27 tăng lương cho cán bộ, công chức (đến năm 2025 lương thấp nhất trong khu vực công cao hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp); nội dung điều chỉnh mức lương cơ sở của khu vực công (khi chưa thực hiện bảng lương mới) cũng là nội dung của cải cách tiền lương nêu tại Nghị quyết 27, mức tăng này cũng tương ứng với mức tăng khi thực hiện cải cách tiền lương.
Ngoài ra, trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành. Đồng thời giao cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành (đặc biệt là phụ cấp theo nghề) mà trong quá trình thực hiện vừa qua có phát sinh bất hợp lý.
Đây thực sự là một quyết định dũng cảm và sáng suốt của nhà quản lý. Dũng cảm bởi thấy được những nội dung có phát sinh nhiều bất cập, cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dần, thận trọng, không nóng vội, hay nói cách khác là thấy được những vấn đề chưa chuẩn để mà hành động tiếp sao cho phù hợp.
Sáng suốt bởi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người về hưu, người hưởng các chế độ, chính sách khác đang mong đợi một quyết định cụ thể của nhà nước liên quan đến ví tiền hàng tháng của mình. Cuối cùng thì cũng ra một con số cụ thể và phải nói rất thật là mức điều chỉnh lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng không phải là một sự điều chỉnh nhỏ. Cá nhân tôi thấy rằng, hãy vui lên và trông đợi những cải cách lương tiếp theo!
Tác giả: TS Đinh Duy Hòa nguyên là Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/tang-30-muc-luong-co-so-quyet-dinh-sang-suot-20240621122017698.htm