Những ngày giữa tháng 7, giá gạo xuất khẩu trên thị trường châu Á liên tục biến động khi điều chỉnh tăng ở các nước xuất khẩu lớn. Chỉ trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có 2 phiên điều chỉnh tăng liên tiếp với mức tăng 15 USD/tấn.
Cụ thể, ngày 18/7, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam điều chỉnh tăng 10 USD/tấn. Theo đó, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 528 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 508 USD/tấn; Jasmine 623 USD/tấn. Mức giá này đã tăng 20 USD/tấn so với đầu tháng 7.
Tại Thái Lan, dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo cho thấy, giá gạo tấm 5% của nước này đã tăng khoảng 15% trong 4 tháng qua, lên mức 535 USD/tấn.
Tại Pakistan, giá gạo cũng đã tăng lên mức cao khi điều chỉnh tăng tới 40 USD/tấn so với ngày 3/7/2023.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) – cho biết, giá gạo thời gian qua tăng vọt do nguồn cung bị ảnh hưởng. Các quốc gia lo sợ hạn hán, cộng với lạm phát nên mua gạo tích trữ đảm bảo an ninh lương thực.
Hiện nay, ngoài thị trường truyền thống, ví dụ như Philippines mỗi năm mua của nước ta từ 2,3-3 triệu tấn gạo, gần đây các doanh nghiệp cũng nhận được nhiều hợp đồng từ Trung Quốc, Indonesia. Một số quốc gia ở Nam Phi đang quay trở lại mua gạo Việt, đã làm cho giá gạo Việt Nam tăng nhanh.
Giá gạo xuất khẩu liên tục điều chỉnh tăng cao |
Cùng với đó, những thông tin về việc Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo đang được doanh nghiệp theo dõi sát sao. Bởi Ấn Độ hiện chiếm tới 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Nếu lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được thông qua thì giá gạo trên thế giới sẽ tăng đáng kể. Đồng thời, tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu gạo khác như Việt Nam và Thái Lan gia tăng thị phần.
“Năm ngoái Ấn Độ cũng làm vậy nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Điều đó đã kéo theo giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh, trong đó có giá gạo của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Thành cho hay.
Về thông tin Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo, theo ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), nếu lệnh cấm này được thực hiện, giá gạo trên toàn cầu sẽ tăng đột biến. Vì Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, trong khi giá gạo phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung. Cung khan hiếm sẽ đẩy giá gạo lên cao, vấn đề này đã từng xảy ra thời điểm năm 2008.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,2 triệu tấn gạo, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức giá gạo xuất khẩu bình quân trong 6 tháng qua đạt 539 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và chạm mức cao nhất 10 năm qua. Đáng chú ý, tính riêng tháng 6 vừa qua, giá gạo xuất khẩu bình quân lên tới 650 USD/tấn, tăng 9,4% so với tháng 5 trước đó và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo Việt Nam đang tiếp tục duy trì đà tăng trong bối cảnh nhu cầu đối với gạo Việt ở mức cao. Nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực thu mua gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp trên toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên cẩn trọng khi kí kết hợp đồng trước tình hình giá gạo có nhiều biến động, trong đó các hợp đồng cũ còn lại đã kí từ trước đây giá sẽ không cao lắm, nhưng để đảm bảo uy tín, doanh nghiệp vẫn cần đảm bảo cung ứng cho khách hàng.
“Không phải cứ thấy bán được mà bất chấp mua gạo nguyên liệu mà không đảm bảo chất lượng. Thêm vào đó, nếu kí kết hợp đồng bán gạo với giá cao, mà trong kho không có gạo thì rất rủi ro, nếu có biến cố xảy ra thì sẽ ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp nói riêng, hạt gạo Việt Nam nói chung”, ông Nguyễn Văn Thành phân tích.