TPO – Nhà thầu đang thi công rãnh thoát nước mặt với chiều dài hơn 100 m; cầu cống bổ sung tường chắn bê tông cốt thép với chiều dài khoảng 15 m, bổ sung rãnh thu nước về hồ điều hòa với thể tích chứa 831 m3 để chống ngập cho cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.
Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây dài 99 km, nối Đồng Nai và Bình Thuận, được khởi công vào tháng 9/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe. Toàn bộ dự án được chia làm 4 gói thầu, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài gần 52 km với 2 gói thầu XL03 và XL04, đoạn qua tỉnh Bình Thuận dài hơn 47 km với 2 gói thầu XL01 và XL02. |
Dự án được dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022 nhưng sau đó gia hạn đến 30/4/2023. Vào lúc 8h ngày 29/4/2023, lễ khánh thành dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã được tổ chức tại Km0+000, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam. Đến rạng sáng ngày 29/7/2023, mưa lớn khiến nước tràn vào cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Đoạn qua huyện Hàm Tân ở Km25+419 bị ngập sâu, nhiều ô tô chìm trong nước, không thể lưu thông. |
Ngay tại lý trình Km25+419 của cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có đường điện cao thế chạy ngang qua. Chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có gắn biển cảnh báo chiều cao an toàn với đường điện cao thế. |
Cống hộp thoát nước tại Km 25+419 của cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. |
Hiện tại, nhà thầu đang thi công hoàn thiện xây tường chắn đá, bổ sung rãnh thoát nước, xây hồ điều hòa nhằm tăng lực điều hòa, phòng chống ngập úng đoạn qua Km25 (xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). |
Từ Km 25+200 đến Km 25+420 phía trái tuyến thiết kế rãnh thoát nước mặt, chia làm hai rãnh chạy song song, một phần thu nước mặt đường và đổ ra ngoài bằng cống qua đường gom; một phần đổ về hố ga tại cống Km 25+419. |
Theo đề xuất phương án thiết kế của gói thầu bổ sung, bên trái tuyến tại Km25 thiết kế tường chắn đá với chiều dài hơn 100 m. |
Nhà thầu cũng đang thi công cầu cống bổ sung tường chắn bê tông cốt thép với chiều dài khoảng 15 m. |
Máy móc được huy động đến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thi công hệ thống thoát nước. |
Bên phải tuyến cao tốc cũng được bổ sung tường chắn đá, các vị trí cầu cống thi công tường chắn bê tông cốt thép. |
Ngoài thi công hai bức tường, các đơn vị liên quan còn đào hố sâu làm hồ điều hòa bên cạnh tuyến chính cao tốc và hệ thống đặt trạm bơm nước. |
Việc xây dựng hệ thống tường ngăn, trạm bơm nước là hạng mục phát sinh sau khi xảy ra “đại hồng thủy” một năm trước. |
Khi đó, chủ đầu tư dự án Phan Thiết – Dầu Giây cho biết, sẽ nạo vét lòng sông Phan đoạn từ hạ lưu cống – chỗ cao tốc bị ngập – đến điểm cầu sông Phan với chiều dài khoảng 1,5 km, rộng hơn 25m. Việc khơi đào tập trung vào 7 cù lao nhỏ ở giữa sông có nhiều cây rậm rạp ảnh hưởng dòng chảy và khả năng tiêu thoát nước |
Công ty CP Tư vấn Xây dựng 533 – đơn vị tư vấn thiết kế cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết tính toán, sau khi dọn dẹp mực nước sông Phan đoạn này có thể hạ thấp ở vị trí cống từng bị ngập khoảng 1,12 m và tại cầu Sông Phan là 0,12 m. |
Kinh phí thực hiện các biện pháp chống ngập do các đơn vị liên quan như tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng cùng chung tay, không sử dụng nguồn ngân sách từ dự án. Các hạng mục bổ sung sẽ hoàn thành giữa tháng 8. |
Nguồn: https://tienphong.vn/tan-thay-cong-trinh-chong-ngap-cho-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-post1662954.tpo