|
Sau nhiều năm “lưu lạc” tại nước ngoài, cuối tháng 8/2024, tượng đồng nữ thần Durga – hiện vật tiêu biểu của văn hóa Champa đã được đưa về Việt Nam. |
Trước đó, tháng 8/2023, Bộ Tư pháp và Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ phối hợp Cảnh sát thành phố London, Anh đã tịch thu bức tượng có nguồn gốc Việt Nam từ một vụ điều tra buôn bán cổ vật bất hợp pháp.
Tới ngày 13/9/2023, đại diện Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ, Cảnh sát thành phố London đã phối hợp các cơ quan chức năng bàn giao tượng đồng Nữ thần Durga cho Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh.
|
Sau rất nhiều nỗ lực, ngày 18/6, tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay đã được vận chuyển an toàn về lưu giữ tại kho bảo quản của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Cuối tháng 8, lễ công bố Kết quả tiếp nhận, hồi hương tượng cũng chính thức được diễn ra.
|
Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định Tượng Nữ thần Durga 4 tay có thể khối lớn (cao toàn bộ 191cm, trong đó, tượng cao 157cm, nặng 101kg), niên đại vào thế kỷ VII với hiện trạng còn tương đối nguyên vẹn. Tượng có nguồn gốc Việt Nam, thuộc phong cách nghệ thuật văn hóa Champa. Tuy nhiên, thông tin về nguồn gốc xuất xứ, địa điểm cụ thể phát hiện tượng Nữ thần Durga cần được tiếp tục nghiên cứu thêm.
Đây cũng là pho tượng đồng lớn nhất, đại diện tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật văn hóa Champa được phát hiện cho đến nay, là cổ vật thuộc loại quý hiếm, có giá trị rất lớn về văn hóa cũng như mỹ thuật Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Với những giá trị đặc biệt, quý hiếm, tượng đồng Nữ thần Durga đang được Bảo tàng lưu giữ trong kho bảo đảm an ninh, an toàn cũng như điều kiện, tiêu chuẩn, môi trường bảo quản đặc biệt.
|
Cận cảnh phần khuôn mặt rất có hồn của tượng đồng nữ thần Durga 4 tay. Durga là một nữ thần đặc biệt, là một tạo hình của nữ thần Parvati – vợ của vị thần Shiva tối cao và là em hoặc chị gái của thần Vishnu.
|
|
Theo các nghiên cứu lịch sử, Champa là quốc gia cổ đại từng tồn tại từ năm 192 đến năm 1832 ở khu vực miền trung Việt Nam ngày nay. Văn hóa Champa chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và Java cùng với những sáng tạo riêng đã tạo nên những đỉnh cao nghệ thuật như phong cách Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm…
|
|
Tạo hình của nữ thần thường được thể hiện với hình ảnh của một người phụ nữ xinh đẹp, mạnh mẽ, có nhiều cánh tay, mỗi tay mang một vũ khí khác nhau. Trong văn hóa Óc Eo tượng nữ thần được tìm thấy khá nhiều ở khắp vùng đồng bằng Nam Bộ.
|
|
Pho tượng đồng nữ thần Durga mặc váy dài thuôn, mình để trần. Có thể nhận thấy nhiều họa tiết đặc biệt gắn với văn hóa Champa trên các nét điêu khắc được chạm nổi trên thân tượng.
|
|
Phần chân đế được đúc tinh xảo và rất có hồn… |
|
Nữ thần Durga là vị thần có dấu ấn sâu đậm trong đời sống tinh thần của các tín đồ Hindu nói chung, cộng đồng Champa xưa nói riêng và được tôn thờ như biểu tượng của lực lượng siêu nhiên, thánh thiện, vị nữ thần diệt trừ và chiến thắng cái ác.
|
|
Phía sau lưng tượng còn có một bệ đỡ giúp bức tượng đứng thẳng. |
|
Có thể nhận thấy, bức tượng được bảo tồn khá nguyên trạng. |
|
Sau khi được công bố, nhiều du khách đã tới chiêm ngưỡng báu vật quý giá tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. |
|
Cũng trong khoảng thời gian này, Triển lãm “Báu vật Champa – Dấu ấn thời gian” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với nhà sưu tập Đào Danh Đức cũng được tổ chức tại Bảo tàng. |
|
Triển lãm được chia thành 2 phần, giới thiệu “Tượng và linh vật tôn giáo” và “Đồ trang sức và vật dụng mang biểu tượng tôn giáo và quyền uy hoàng tộc”.
|
|
Trong ảnh là hai bức tượng nam thần và nữ thần được làm bằng vàng và đá quý. Có thể thấy trình độ của các thợ thủ công Champa xưa vô cùng cao. |
|
Thần Shiva là một trong các vị thần quan trọng của Ấn Độ giáo. Các thuộc tính biểu tượng chính của thần Shiva là con mắt thứ 3 trên trán, rắn Vasuki quanh cổ, trăng lưỡi liềm trang hoàng, sông thánh Ganga (sông Hằng) chảy từ mái tóc, với vũ khí là Trishula (đinh ba) và nhạc cụ là Damaru (trống lắc).
|
|
Các tượng thần Shiva và Ganesha.
|
|
Tượng Phật Buddha (ở giữa) và hai bức tượng Bồ tát Avalokitesvara (Quan Thế Âm) được đúc bằng vàng, có niên đại từ thế kỷ 17-18. |
|
Kosa là một lớp vỏ kim loại, làm bằng vàng hay bạc, dùng để phủ lên ngoài ngẫu tượng linga, hiện thân của Shiva. Kosa kết hợp với một số phù điêu biểu thị khuôn mặt hay đầu thần Shiva.
|
|
Triển lãm dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 10 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.
|