So kè nội ngoại trên thị trường nước giải khát
Theo hãng nghiên cứu Kantar, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến doanh số sản phẩm đồ uống tại Việt Nam trong năm 2021. Lý do là kênh tiêu dùng tại chỗ sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, sang đến năm 2022, khi không còn tác động tiêu cực của đại dịch, sản lượng đồ uống đã tăng 7% tại 4 thành phố lớn và 10% tại khu vực nông thôn.
Tín hiệu tích cực thúc đẩy sản xuất nước giải khát là nhu cầu tăng khi các hoạt động bắt đầu mở cửa trở lại. Các hoạt động xã hội như giải trí ngoài trời, nhà hàng, du lịch và khách sạn hoạt động lại từ đầu năm 2022.
Công ty nghiên cứu thị trường VIRAC cho biết doanh số lẻ nước giải khát năm 2022 đạt 4.500 lít, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo, tăng trưởng doanh số tiêu thụ nước giải khát giai đoạn 2022-2024 dao động trong khoảng 4,3-4,8% khi nền kinh tế trở lại bình thường.
Được đánh giá là thị trường tiềm năng nhưng miếng bánh lớn trong ngành chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, hiếm có doanh nghiệp nội cạnh tranh trực tiếp được với họ.
Theo VIRAC, hiện 3 ông lớn gồm Suntory Pepsico Việt Nam, Coca-Cola, URC Việt Nam và doanh nghiệp nội là Tân Hiệp Phát chiếm khoảng 57% thị phần.
Xem xét kỹ hơn theo từng ngành hàng, doanh nghiệp nội có phần lép vế. Ví dụ mảng nước tăng lực, quy mô thị trường ước tính trị giá 18.000 tỷ đồng năm 2022, theo số liệu của Masan. Red Bull Vietnam đang đứng đầu thị trường, theo sau đó là Suntory Pepsico và Tân Hiệp Phát. Masan bước chân vào ngành hàng này vào năm 2015 và là thương hiệu lớn thứ 4.
Với mảng đồ uống có ga, hiện Suntory Pepsico dẫn đầu. Vị trí thứ 2 trong năm 2022 thuộc về Coca-Cola Việt Nam, theo VIRAC.
Với mảng trà uống liền, số liệu của hãng nghiên cứu Euromonitor cho thấy Tân Hiệp Phát đứng đầu với mức thị phần chiếm 32% năm 2022. URC Việt Nam xếp vị trí thứ 2 với con số 20,6%. Tiếp theo là Suntory Pepsico Việt Nam.
Thị trường sẽ ra sao sau sự kiện Tân Hiệp Phát?
Mới đây ngày 10/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Trần Quí Thanh, bà Trần Uyên Phương và tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 9 địa điểm đối với 3 bị can; khởi tố bà Trần Ngọc Bích. Ông Thanh và các con gái là những người sáng lập và điều hành chủ chốt của Tân Hiệp Phát.
Không thể phủ nhận Tân Hiệp Phát hiện là doanh nghiệp Việt Nam hiếm hoi đang cạnh tranh sòng phẳng với những doanh nghiệp ngoại trên thị trường. Sau sự việc xảy ra với ông Thanh và các con, thị trường nước giải khát liệu sẽ biến động ra sao?
Chia sẻ với Dân trí, chuyên viên phân tích mảng F&B của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết hiện tại các sản phẩm chủ lực của Tân Hiệp Phát là trà xanh 0 độ, trà Dr. Thanh, Number 1. 3 sản phẩm này chiếm khoảng 12-13% thị phần đồ uống không cồn nói chung, chỉ tính kênh off-trade (kênh phân phối mua về nhà – PV). Trong đó, trà xanh 0 độ chiếm khoảng 9%, Number 1 gần 3%, Dr. Thanh hơn 1%.
Giả sử tập đoàn này có biến động thì khả năng thị phần sẽ chia nhau cho các doanh nghiệp lớn trong ngành trà uống liền như URC Vietnam (Trà C2) và Suntory PepsiCo (Trà Tea+), Interfood (Trà Wonder Farm).
Đối với mảng nước tăng lực, hiện nhãn hàng Number 1 của tập đoàn này có thị phần thứ 3, cỡ khoảng 16-17%. Nếu có vấn đề biến động, thị phần sẽ được chia cho các “ông lớn” có sẵn trên thị trường như Red Bull (Red Bull), Suntory PepsiCo Vietnam (Sting) và Masan (WakeUp 247, Hổ Vằn, Compact). Đây là một trong những mảng có tăng trưởng cao nhất trong ngành đồ uống.
Chia sẻ trong thông tin phát đi ngày 11/4, phía Tân Hiệp Phát cho biết sự việc chắc chắn ảnh hưởng tới hoạt động của công ty. Song công ty sẽ nỗ lực hết sức để giảm tối đa các ảnh hưởng bất lợi từ sự việc này với hoạt động của công ty. Tân Hiệp Phát vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đối tác, nông dân trồng nguyên liệu…