Tân Hải, tên chính thức là Tân Hải Tân khu, là khu phụ cận và trung tâm kinh tế đặc biệt trực thuộc thành phố Thiên Tân (Trung Quốc). Được thành lập vào năm 1984, Tân Hải nằm ở bờ đông của Thiên Tân, ngay tại trung tâm của Vành đai Kinh tế Bột Hải. Tân Hải là một trong số các khu vực phát triển công nghệ và đẩy mạnh kinh tế duyên hải đầu tiên của nước này.
Cỗ máy công nghiệp của Thiên Tân
Nằm trên dải đất diện tích 2.000 km2 bao quanh cảng Thiên Tân, Tân Hải được xây dựng để đảm nhiệm vai trò cửa ngõ kết nối miền bắc Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Trung Quốc cũng kỳ vọng đặt “căn cứ” của hoạt động sản xuất, R&D (nghiên cứu và phát triển) theo công nghệ hiện đại, cao cấp tại đây, đồng thời là trung tâm trung chuyển, hậu cần quốc tế, theo Đài CGTN.
Đến năm 2009, khu vực này trở thành “vùng thực hiện thí điểm cải cách và đổi mới tài chính toàn diện”. Có thời điểm Tân Hải công bố GDP của khu vực tăng vọt gấp 5 lần lên mức 1.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 145 tỉ USD) trong thập niên tính đến năm 2016. Nơi đây cũng từng một thời “soán ngôi” quận giàu nhất Trung Quốc vốn thuộc về Phố Đông, trung tâm tài chính và thương mại ở Thượng Hải.
Sở dĩ Tân Hải thu hút được làn sóng đầu tư là nhờ chính sách thuế ưu đãi, cho phép giảm đến 50% tiền thuế của các công ty thông qua thỏa thuận. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng công bố các khoản trợ cấp như giảm thuế thuê nhà đến 1/3. Và vào năm 2015, nơi này trở thành khu thương mại tự do, mang đến cho giới tiêu dùng đủ loại hàng hóa nước ngoài, từ xe sang hiệu Maserati của Ý và khăn giấy Nhật Bản với giá giảm hơn nơi khác.
Sau gần 40 năm tồn tại, Tân Hải dồn sức tập trung quảng bá đầu tư và phát triển các dịch vụ dành cho hoạt động doanh nghiệp. Xét về khía cạnh tạo nên dấu ấn công nghiệp ngày nay, khu vực hiện thu hút hơn 37.000 tập đoàn quốc tế. Trong số này, hơn 200 công ty thuộc Fortune Global 500 đã đặt văn phòng hoặc rót vốn đầu tư vào Tân Hải, như Motorola và Airbus.
Một điểm chung của quận Manhattan, thành phố New York (bang New York, Mỹ) và quận Tân Hải của thành phố Thiên Tân là cả hai đều được xây dựng bên trên vùng đất ngập nước ven sông. Trong khi Manhattan là trung tâm kinh tế thương mại thế giới, Tân Hải không ngừng nỗ lực với kỳ vọng trở thành “Manhattan Trung Quốc”.
Hướng đi mới
Sau khi Trung Quốc chấm dứt chính sách zero-Covid, Tân Hải đang tìm cách đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất theo hướng hiện đại hơn, thông minh hơn và xanh hơn. Bên cạnh đó, việc hình thành các cấu trúc tài chính cũng được đẩy nhanh tiến độ.
Báo China Daily dẫn lời lãnh đạo quận là ông Shan Zefeng cho biết trong 3 năm tới, Tân Hải sẽ xây dựng thêm 10 cụm công nghiệp, phục vụ các lĩnh vực sản xuất sinh học, điều trị tế bào và gien, khoa học não và y học thông minh.
“Tổng cộng 50 kịch bản ứng dụng công nghệ sẽ được thiết lập, và chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho tối đa 100 công ty hoạt động tại khu vực mới trong giai đoạn sắp tới”, ông cho hay.
Những lĩnh vực khác cũng đang được đầu tư nhằm nâng cấp sức cạnh tranh bao gồm hóa dầu, khai thác dầu và khí đốt xa bờ, công nghệ năng lượng mới cho ô tô, mạng lưới kết nối internet dành cho ô tô.
Ưu tiên số một của nghị trình làm việc trong 3 năm là quảng bá những dự án liên quan đến khoản đầu tư 1.500 tỉ nhân dân tệ (215 tỉ USD), để công tác triển khai được ổn định và hiệu quả.
Cũng trong thời gian này, chính quyền Tân Hải dự kiến khởi động việc xây dựng tối đa 223 dự án với tổng vốn đầu tư 161,5 tỉ nhân dân tệ, trong đó đó bao gồm khu công nghiệp sản xuất thiết bị hàng không vũ trụ.